Giảm nghèo từ nguồn vốn chính sách

DIỄM LỆ 24/09/2019 11:12

Sáng 23.9, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn chương trình tín dụng hộ nghèo, nhiều hộ nghèo khu vực miền núi được tiếp cận chính sách để trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: D.L
Từ nguồn vốn chương trình tín dụng hộ nghèo, nhiều hộ nghèo khu vực miền núi được tiếp cận chính sách để trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: D.L

Ưu tiên nguồn vốn giảm nghèo

Theo báo cáo, đến ngày 31.8.2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách giảm nghèo đạt 207.708 tỷ đồng, tăng hơn 63 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2015; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng. Nguồn vốn được ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hơn 1,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 775 nghìn lao động; gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; hơn 108 nghìn hộ nghèo có điều kiện cải thiện nhà ở. Chính sách tín dụng giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc từ 8,23% (cuối năm 2015) xuống còn 5,23% (cuối năm 2018). Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,75%. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) , đến nay đã có 10.956 điểm giao dịch xã và thành lập 178.896 tổ TK&VV, giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Tín dụng chính sách xã hội được cho vay theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều. Xác định vùng kinh tế, xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số người dân khó tiếp cận các nguồn vốn khác, nên các điểm giao dịch tại xã, các tổ TK&VV về tận thôn, bản đã hỗ trợ đắc lực cho người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là hộ nghèo được vay vốn. Đến cuối tháng 8.2019, dư nợ của hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo chiếm 55,9% tổng dư nợ, và dư nợ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 52,6% tổng dư nợ toàn quốc.

Kiến nghị nâng mức cho vay

Theo Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, cuối năm 2015 toàn tỉnh có 51.817 hộ nghèo (tỷ lệ 12,9%) và 24.934 hộ cận nghèo (tỷ lệ 6,21%), đến cuối năm 2018 giảm còn 31.537 hộ nghèo (tỷ lệ 7,57%), 13.841 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,32%). Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực 9 huyện miền núi của tỉnh với 20.895 hộ. Tổng dư nợ tín dụng chính sách giảm nghèo đạt hơn 4.546 tỷ đồng (đến 31.8.2019), tập trung chủ yếu vào 9 chương trình, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, chiếm 49% tổng dư nợ. Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, hộ nghèo, hộ đồng bào người dân tộc thiểu số đã tiếp cận được môi trường tín dụng, kinh nghiệm làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ. Việc cho vay đã từng bước xóa bỏ trong hộ nghèo tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương, hội đoàn thể, tổ TK&VV, các đơn vị có liên quan xử lý nợ rủi ro 1.009 món vay với số tiền gốc hơn 11 tỷ đồng. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng của đơn vị được duy trì ổn định, nợ quá hạn và nợ khoanh đến 31.8.2019 là 6.558 triệu đồng (chiếm 0,14%).

Quảng Nam kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương cần bố trí nguồn vốn kịp thời đối với các chương trình tín dụng chính sách mới được ban hành (cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP...) để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình; quan tâm bố trí nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm. Cần nâng mức cho vay tối đa của một số chương trình phù hợp nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, như cho vay học sinh, sinh viên tối đa 2,5 triệu đồng/tháng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ tạo việc làm tối đa 100 triệu đồng/hộ; cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định ngày 31.12.2020, cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm.

DIỄM LỆ