Người dân lo lắng vì sự cố môi trường Nhà máy cồn Đại Tân
(QNO) - Sự cố môi trường tại Nhà máy cồn Đại Tân thuộc Công ty CP Tùng Lâm (xã Đại Tân, Đại Lộc) diễn ra từ rạng sáng 18.9, đến ngày 20.9 tình hình khu vực xung quanh nhà máy vẫn khá phức tạp vì hàng chục người dân bao vây, ngăn cản xe ra vào nhà máy, yêu cầu nhà máy và địa phương khắc phục sự cố. Lãnh đạo nhà máy đã tổ chức đối thoại với dân; lực lượng chức năng cũng đã lấy mẫu kiểm định để có hướng xử lý.
Ô nhiễm không khí
Sáng 19.9, hàng chục người dân ở thôn Nam Phước (xã Đại Tân) kéo đến tập trung trước cổng Nhà máy cồn Đại Tân yêu cầu gặp lãnh đạo công ty vì không thể chịu đựng nổi mùi hôi thối từ khu vực nhà máy diễn ra lâu nay. Nguyên nhân, theo người dân, khoảng 2 giờ sáng 19.9, mùi hôi thối khu vực nhà máy bốc lên nồng nặc. Không khí xung quanh nhà máy cũng đậm đặc một thứ vị cay cay khiến người dân sống lân cận liên tục bị chảy nước mắt, nước mũi.
Ngày 20.9, theo ghi nhận, sự cố môi trường tại Nhà máy cồn Đại Tân đã được nhà máy nỗ lực khắc phục bước đầu. Song, nhiều người dân vẫn tụ tập yêu cầu lãnh đạo nhà máy giải thích rõ tình trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng tới khu dân cư.
Ông Mai Xuân Hồng (thôn Nam Phước) cho biết, từ ngày Nhà máy cồn Đại Tân đi vào hoạt động đến nay, thường xuyên gây ô nhiễm, heo gà, cây trồng đều không phát triển. Tuy nhiên, chưa khi nào bà con phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc như lần này. “Cùng cực lắm chúng tôi mới phải bỏ công ăn việc làm kéo lên yêu cầu Nhà máy cồn Đại Tân phải giải đáp rõ nguyên nhân gây ô nhiễm cũng như giải pháp khắc phục” - ông Hồng bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Nam Phước) cho biết, từ khi nhà máy đi vào hoạt động trở lại là chừng đó thời gian người dân ở đây phải chịu đựng ô nhiễm: đất, không khí, nước thải. Toàn bộ nguồn nước giếng khu vực lân cận nhà máy nhiễm bẩn không thể sử dụng. “Ô nhiễm đủ thứ hết. Mấy ngày ni gia đình có con nhỏ phải chở con đi chỗ khác ngủ nhờ chứ mùi hôi thối gây nhức đầu, chóng mặt, các cháu nhỏ không chịu nổi. Đề nghị công ty phải xử lý gấp. Ô nhiễm kéo dài mười mấy năm rồi. Mỗi lần xảy ra sự cố, công ty cứ cam kết, cứ hứa này nọ mà liên tục tái diễn vi phạm” - ông Sơn nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân (cùng thôn) lo lắng: “Tôi muốn các cơ quan chức năng làm rõ đây là cái gì, chất gì, mức độ gây hại cho sức khỏe con người ra sao và phía nhà máy có biện pháp khắc phục như thế nào. Không thể để tiếp diễn ô nhiễm liên tục cho khu dân cư được”. Theo nhiều người dân nơi đây, bà con còn lo ngại nhà máy cồn còn lợi dụng trời mưa để xả thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng nặng đến đời sống người dân khu vực đầu và cuối nguồn nước.
Cơ bản khắc phục
Người dân thôn Nam Phước cho biết, toàn thôn có 200 hộ dân, có khoảng 50 hộ sống lân cận khu vực nhà máy. Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy cồn Đại Tân đã nhiều lần gây ô nhiễm môi trường về nguồn nước thải, khí thải và người dân địa phương đã nhiều lần tụ tập phản đối, kiến nghị lên các cấp huyện và tỉnh.
Ông Phạm Văn Tĩnh - Phó Giám đốc Nhà máy cồn Đại Tân cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố lần này là do trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel - một loại dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol ra vật đựng, dẫn đến phát tán mùi đặc trưng. Hiện công tác khắc phục sự cố rò rỉ dầu fusel gây ra tình trạng ô nhiễm không khí đã cơ bản được hoàn thành.
Ông Tĩnh cho biết, ngay sau khi có sự cố, nhà máy đã cho cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu tràn ra môi trường bên ngoài. Đồng thời tiến hành ngay các biện pháp để thu hồi toàn bộ dầu tràn tại khu vực kho cồn và theo nước mưa xuống hồ sinh thái.
Ngày 20.9, Sở Tài nguyên & môi trường, Công an huyện Đại Lộc cùng với chính quyền xã Đại Tân tiến hành niêm phong các cống xả từ hồ sinh thái ra môi trường. Ông Đoàn Kim Bình - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết, xã đã tổng hợp ý kiến của người dân và phía nhà máy, báo cáo sự việc lên UBND huyện Đại Lộc và UBND tỉnh để cấp trên có hướng chỉ đạo, giải quyết thỏa đáng. Xã cũng kêu gọi người dân bình tĩnh giải quyết sự việc sau sự cố, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
Theo lãnh đạo huyện Đại Lộc, ngày 20.9, lực lượng chức năng tỉnh, huyện đã tiến hành lấy mẫu khí thải, nước thải đưa đi kiểm định. Nếu ô nhiễm vượt quá mức cho phép, sẽ đề nghị đóng cửa nhà máy chờ khắc phục.