Võ sư Nguyễn Văn Dũng - một vòng tròn đời đạo

TƯỜNG MINH 23/09/2019 13:52

Vậy là nhà văn - võ sư Nguyễn Văn Dũng đã đi hết một vòng tròn võ đạo khi mới đây, tháng 8.2019, tại tổ đường Nghĩa Dũng Karate-Do (số 8 Trương Định - Huế), ở tuổi 80, ông đã trao quyền điều hành võ đường cho con trai trưởng Nguyễn Dũng Chinh. Từ một võ sư Karate huyền đai đệ thất đẳng, ông trở về với chiếc đai trắng tinh khôi.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng căn dặn các môn sinh. Ảnh: Nghĩa Dũng không thủ
Võ sư Nguyễn Văn Dũng căn dặn các môn sinh. Ảnh: Nghĩa Dũng không thủ

Trao quyền “sư trưởng”, về với “đai trắng” là một quyết định rất đáng nể trọng bởi không phải ai ở cương vị của võ sư Nguyễn Văn Dũng cũng làm được, bởi lẽ thường, công danh, phú quý và quyền lực là những thứ mà con người muốn đeo vào hơn là cởi ra. Nhưng ấn tượng hơn cả với tôi hôm ấy là hình ảnh võ sư Nguyễn Văn Dũng bước vào võ đường với chiếc đai màu trắng. Đứng trước hơn 100 cao đồ đại diện cho hàng vạn môn đồ trong và ngoài nước, võ sư Nguyễn Văn Dũng căn dặn học trò: “Võ đường là trường học, là nơi giáo dục võ sinh hoàn thiện nhân cách để họ có thể trở thành những con người có trách nhiệm với Tổ quốc, với gia đình, biết sống nhân văn. Các em không bao giờ được thương mại hóa võ thuật”…

Võ sư Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1941 tại làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1965, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm, trở thành thầy giáo dạy văn. Năm 1972, kiêm thêm danh hiệu võ sư. Năm 1978, thành lập Phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do. Năm 1995, là Trưởng tràng Hệ phái Suzucho Karate-Do Việt Nam. Năm 1997, sáng lập viên Trường Đại học Phú Xuân, phụ trách Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục thể chất và quốc phòng. 10 năm trước, ông xin nghỉ hưu ở tuổi… 70, để tập trung tâm sức cho công việc dạy võ và dạy người. Và bây giờ, ông trở về “đai trắng” sau khi trao quyền điều hành võ đường – hệ phái cho con trai trưởng Nguyễn Dũng Chinh sau khi đi hết một vòng tròn đời – đạo.

Nghiệp võ đến với ông muộn hơn nhưng khá lạ: “Năm 1963, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đang đêm, một nhóm học trò cũ của thầy tôi (là một linh mục) xông vào nhà thờ, đánh đập, hành hạ thầy. Khi tôi đứng ra binh vực thầy thì bị bốn tay cầm đầu vây đánh cho một trận. Buổi chiều, trước bạn bè và người thân, tôi chỉ tay lên trời thề “sẽ đi học võ để hạ từng thằng một trả mối thù này”... Lúc đầu tôi học võ cổ truyền với bạn, mãi đến tháng 3.1967 mới chuyển sang học Karate. Gặp chân sư, tôi miệt mài khổ luyện. Đến năm 1972, khi đã có thể thực hiện lời thề cũ thì tôi nhận ra: Tự nâng lên mình cao hơn kẻ thù, tha thứ cho kẻ thù, cũng là một cách trả thù. Và thế là tôi tha thứ cho họ”… - võ sư Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

* Thưa, mục đích đi học võ rồi mở võ đường dạy võ của ông là gì?

Mục đích dạy võ của tôi là rèn sức khỏe - thể chất và tinh thần, rèn kỹ năng tự vệ, giáo dục phẩm chất đạo đức. Đó là các phẩm chất: Tự tin, dũng cảm, kiên trì, kiên định, tôn trọng, tự trọng, phóng khoáng, hào hiệp, thuận hòa, phong thái đường bệ, ung dung tự tại... Đạo đức đó là: Có trách nhiệm và trung thành với Tổ quốc, hiếu đễ với cha mẹ, tình nghĩa thủy chung với thầy với bạn, nhân ái, chan hòa với mọi người...

* Một võ sư và một võ sư có văn, sự khác nhau có lớn không?

Người đời hiểu văn và võ là hai khái niệm đối lập nhau. Nhưng xét cho cùng thì không phải thế. Văn và võ đều là một hình thái của văn hóa; và khi đạt đến đỉnh cao của nó thì văn và võ là một. Cả hai đều nhằm đạt đến cõi tự tại, tự giác; tâm hồn thanh lãng, an lạc trong mối quan hệ nhân ái với con người, cuộc đời và thiên nhiên, vạn vật. Nhiệm vụ của thể thao là nhanh hơn, xa hơn, mạnh hơn; nhiệm vụ của võ là chiến thắng chính mình. Mục đích của thể thao là tranh giành huy chương, mục đích của võ là hoàn thiện mình... Do đó, dù với bất cứ môn võ nào, võ đường luôn là một trường học. Nếu có khác nhau thì đó là sự khác nhau giữa đậm nhạt, nặng nhẹ; bắt nguồn từ sự khác nhau giữa các vị thầy; giữa hệ thống lý luận, nội dung chương trình, quy trình, phương pháp, tổ chức thực hiện...

Các môn sinh của tôi xác định rất rõ học võ không phải để thi thố cơ bắp hay tranh giành huy chương, mà là để có sức khỏe, chăm học và học giỏi; rằng học võ cho thật giỏi để không bao giờ phải dùng đến võ... Nhờ thế môn sinh của tôi chủ yếu là học sinh và sinh viên, là con ngoan trò giỏi; nhiều em ra đời là bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư, tiến sĩ, giáo sư, nhà báo, nhà giáo, doanh nhân, quan chức... Tôi luôn luôn tự hào về những học trò của mình.

* Vậy ngoài quyền cước, võ đạo, ông đã dạy thêm cho võ sinh của mình những điều gì?

Trước hết tôi dạy cho các em cái Lễ, vốn là yếu tố giúp người ta sống với nhau cho tử tế hơn, văn minh lịch sự hơn. Đơn giản thôi, tôi bắt các em luôn luôn thuộc bốn từ sau: Xin chào, Xin cám ơn, Xin vui lòng, Xin lỗi. Đó chính là bốn từ mà ở các nước văn minh, người ta dùng hàng ngày trong các mối quan hệ. Trong thời đại giao lưu hội nhập, nếu không cùng tần số thì làm sao chúng ta có thể sống và làm ăn với họ? Tôi cũng dạy cho các em hiểu mình, tự tin, khả năng tập trung tinh thần, có ý chí vượt khó, có tinh thần ham học hỏi, kỷ luật, đoàn kết, nhân ái, yêu thương, tôn trọng người khác, có hoài bão, có bản lĩnh để không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ tầm thường… Tất cả, không phải bằng con đường rao giảng đạo đức khô khan, mà bằng quá trình rèn luyện trong một “lò” luyện cực kỳ nghiêm khắc.

* Và với cả tình yêu thiên nhiên?

Đúng vậy! Tôi thường nói với môn sinh, rằng “Thiên nhiên là người thầy vĩ đại. Xa lánh thiên nhiên và chạy theo ảo vọng là nguồn cơn của mọi khổ đau trần thế”, rằng “Sách là người thầy vĩ đại, sách cho ta đôi cánh bay tới những chân trời”, rằng “Nếu thực phẩm của võ là chiêu thức quyền cước thì thực phẩm của cái tâm là âm nhạc và thi ca - Một cái tâm trong sáng, tràn đầy, và hòa ái sẽ giúp con người tránh xa thói vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm, và thích bạo lực đang lan tràn trong xã hội hiện nay”... Tôi cho rằng, hành vi, lối sống của một con người không chỉ xuất phát từ thói quen, từ ý thức, mà chủ yếu từ cảm thức. Bởi thế, dạy võ, tôi rất coi trọng việc cung cấp thực phẩm tuyệt vời cho cái tâm người tập; trong đó thiên nhiên, sách, và nghệ thuật là nguồn năng lượng vô tận…

Ông Karl Marx nói “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”. Tố chất tiên thiên, gia đình, học đường, xã hội, bạn bè, hội đoàn, sách báo, phim ảnh... và võ chỉ là một trong những yếu tố đó. Võ sẽ phát huy tác dụng tốt khi các yếu tố kia không trở thành yếu tố tiêu cực tác động đến người tập. Và ngược lại. Mong muốn của tôi là thế nhưng trong mấy chục năm qua, đã có người đi ngược lại định hướng của thầy. Họ nặng phần múa may huê dạng, đề cao cá nhân, chạy theo hư danh, nhằm mục đích thương mại… Trước đây, tôi cũng có hơi buồn, nhưng giờ chín chắn hơn, tôi nhận ra đó là lẽ thường tình - mười ngón tay tất có ngón ngắn ngón dài. Chỉ mong sao họ không rơi vào vòng hư đốn và vi phạm luật pháp.

* Ngoài nghiệp võ, ông còn được biết đến là một nhà văn với nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Linh sơn mây trắng”, “Đi tìm ngọn núi thiêng”, “Lời tự tình một dòng sông”, “Nói với môn sinh”… và hàng chục đầu sách võ thuật khác. Đó là sự tìm về điểm xuất phát (nghiệp văn) đã bị võ đạo làm cho dang dở hay vẫn là phương tiện để chuyển tải những thông điệp về “Đạo” như nhận xét của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường?

Thời trung học tôi thích môn văn. Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1962, tôi thi vào khoa Văn trường Đại học Sư phạm - Huế. Năm 1965, tốt nghiệp đại học, tôi được bổ nhiệm giảng dạy môn Văn lần lượt tại các trường Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), Gia Hội (Huế), Quốc Học (Huế) và nhiều trường tư thục khác. Ngày trước thi thoảng cũng có làm thơ, viết văn, cộng tác với một số tờ báo, nhưng không nổi bật.

Một thời gian dài trên bục giảng tôi cầm viên phấn, một thời gian dài trong võ đường tôi múa côn, luyện quyền; hơn mười năm trở lại đây, được đi qua nhiều nơi trên thế giới, tôi cầm cây viết. Nhưng dù cầm viên phấn, cầm cây côn, hay cầm cây viết, trước sau tôi vẫn là một thầy giáo, để làm nhiệm vụ của một người thầy giáo. Đó là giúp người học hiểu rõ mình hơn, hiểu thế giới chung quanh hơn; nhân ái, công bằng, và cao thượng hơn; ăn ở với nhau cho tử tế hơn... Tôi đồng ý với nhận xét của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, rằng tôi viết văn không phải để trở thành nhà văn, mà để chuyển tải thông điệp về “Đạo” - đạo làm người.

TƯỜNG MINH