YouTube tràn ngập video chữa bệnh ung thư sai sự thật

NAM VIỆT 20/09/2019 09:43

(QNO) - Bên cạnh kiếm món tiền lớn từ việc quảng cáo cho các thương hiệu lớn, YouTube còn xuất hiện nhiều video thông tin giả mạo hay sai lệch về việc chữa bệnh ung thư.

Nói bằng tiếng Ả Rập trên kênh YouTube của mình, Khawla Aissane cho rằng sữa lừa có thể ngăn chặn hoạt động của các tế bào ung thư. Ảnh: YouTube
Nói bằng tiếng Ả Rập trên kênh YouTube của mình, Khawla Aissane cho rằng sữa lừa có thể ngăn chặn hoạt động của các tế bào ung thư. Ảnh: YouTube

Tìm kiếm trên YouTube với hơn 10 thứ tiếng bao gồm Anh, Bồ Đào Nha, Nga, Ả Rập, Ba Tư, Hindi, Đức, Ukraina, Pháp và tiếng Ý, hãng truyền thông BBC (Anh) tìm thấy hơn 80 video chứa thông tin sai lệch về sức khỏe - chủ yếu là chữa khỏi bệnh ung thư. Đáng chú ý, 10 trong số các video đó có hàng triệu lượt xem.

Các video trên đăng tải các phương pháp điều trị ung thư vốn chưa được khoa học kiểm chứng, thường liên quan đến việc tiêu thụ các chất cụ thể, chẳng hạn như bột nghệ hoặc baking soda (muối nở hay muối có ga), chỉ uống nước ép trái cây, ăn chay cực độ…

Hay như một số YouTuber (những người sáng tạo nội dung và chia sẻ chúng trên YouTube - nghĩa là tự quay video) ủng hộ việc uống sữa lừa hoặc nước sôi để chữa ung thư.

Đành rằng, nhiều bệnh nhân ung thư uống các loại nước ép trái cây như cà rốt, cà chua… vẫn tốt cho sức khỏe nhưng không thể chữa bệnh ung thư, có thể gián tiếp gây tổn hại cho sức khỏe của bệnh nhân, ví như họ bỏ bê việc được điều trị bằng các phương pháp y học.

Đó là chưa kể nhiều video kê khai những chất độc hại, phản khoa học mà nhiều bệnh nhân lại tin tưởng áp dụng bởi không phải người xem nào cũng sàng lọc được thông tin đâu là đúng, đâu là sai lệch. Như mới đây, trang tin Business Insider (Mỹ) vừa tìm thấy hàng loạt video dạy cách chữa tự kỷ bằng MMS (dung dịch chất khoáng thần kỳ) chứa chất tẩy công nghiệp, thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube…

Các chuyên gia cũng chỉ ra những nguy hiểm của một trang web do người dùng tạo ra như YouTube - nơi các nhà sản xuất video và những người trong công ty đưa ra quyết định về nội dung mà nhiều trường hợp không phải là bác sĩ hay chuyên gia y tế.

Elizeu Correia - một trong nhiều YouTuber của Brazil ủng hộ việc việc ăn mướp đắng để chữa bệnh ung thư. Ảnh: YouTube
Elizeu Correia - một trong nhiều YouTuber của Brazil ủng hộ việc việc ăn mướp đắng để chữa bệnh ung thư. Ảnh: YouTube

Có 47/80 video được BBC tìm thấy là có chèn quảng cáo để tạo uy tín, kiếm tiền. Một số quảng cáo đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Heinz, Grammarly, Clinique, Booking.com, kể cả phim Hollywood, các trường đại học…

Tuy nhiên, nhiều thương hiệu trên phản pháo rằng họ không có liên quan đến các video gây tổn hại cho sức khỏe trên và đang cố gắng tìm cách để ngăn chặn, như liên hệ với YouTube để kéo quảng cáo này xuống hay phải có biện pháp ngăn chặn từ đầu, dẫu không hề đơn giản.

Như vậy, YouTube - thuộc sở hữu của Tập đoàn Google và các nhà sản xuất video đều kiếm tiền, dù các video chữa bệnh này đều có thông tin sai lệch.

Hay đơn giản như bà Efimova Tatyana - một YouTuber cho biết, bà không phải bác sĩ nhưng bà kể một câu chuyện cá nhân về một người mà bà ấy biết và tùy thuộc vào người xem quyết định có nên uống baking soda hay không. Nhưng hiện bà đã gỡ video của mình xuống.

Dù vào đầu năm nay, YouTube tuyên bố họ sẽ giảm các video có nội dung có thể gây hiểu lầm cho người xem, như video quảng cáo một phương thuốc "thần kỳ" cho một căn bệnh nghiêm trọng, chính sách chỉ đang áp dụng với các video tiếng Anh. Do vậy, video sai lệch về thông tin chữa bệnh ung thư vẫn có thể được tìm thấy 9 trong 10 thứ tiếng kể trên.

YouTube cũng cho biết, tuy chưa hoàn hảo, thuật toán của YouTube đang hoạt động nhằm hướng người dùng đến các thông tin chính thống.

NAM VIỆT