Tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết

ĐÌNH HIỆP 19/09/2019 11:34

UBND huyện Tây Giang vừa tổ chức lễ phát động chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên toàn huyện, nhằm kêu gọi người dân chung tay diệt lăng quăng, muỗi vằn phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Phun thuốc dập dịch bệnh sốt xuất huyết tại xã A Tiêng. Ảnh: Đ.H
Phun thuốc dập dịch bệnh sốt xuất huyết tại xã A Tiêng. Ảnh: Đ.H

Chiến dịch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết có nhiều hoạt động như tổ chức các đợt diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh nhà cửa, môi trường tại các thôn, xã, trường học, khu chợ và tại các khu vực đang xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi... và sẽ kéo dài đến hết năm 2019. Sau lễ phát động, Trung tâm Y tế huyện phối hợp các cơ quan ban ngành, các xã đồng loạt ra quân diệt muỗi, lăng quăng. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, 8 tháng đầu năm 2019, toàn huyện có 26 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong số ca mắc bệnh sinh sống tại vùng có dịch năm ngoái làm 87 người bị nhiễm thì còn phát hiện 6 trường hợp mắc mới tại 4 xã vùng cao của huyện. Ngay sau khi phát hiện bệnh, cán bộ Trung tâm Y tế huyện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng - chống. Trong đó, tổ chức phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy; tuyên truyền vận động người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi có ổ dịch. Đồng thời tổ chức điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn các xã Ch’Ơm, A Xan,Tr’Hy, Lăng, A Tiêng, Bha Lêê... Tại đây, trung tâm đã tiến hành kiểm tra, xử lý môi trường phun thuốc diệt lăng quăng, bọ gậy.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông, khâu tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh bệnh sốt xuất huyết trong nhân dân rất quan trọng. Sốt xuất huyết chưa có vắc xin tiêm phòng nên biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng, chống muỗi đốt. Đang vào mùa mưa dễ xảy ra dịch vì thời tiết ẩm thấp, số lượng muỗi vằn xuất hiện nhiều nên nguy cơ xảy ra dịch rất lớn. Hơn nữa người dân có thói quen tích trữ nước trong thùng nhựa, bể chứa nhưng lại không có nắp đậy, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển. Một nguyên nhân nữa chính là sự chủ quan, ý thức phòng bệnh của cộng đồng chưa cao. “Làm sao mỗi người dân phải tự giác dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay tại nhà mình, biết cách đậy kín dụng cụ chứa nước, biết ngủ màn và mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày để tránh lây truyền dịch bệnh là điều rất điều quan trọng. Đặc biệt khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị” - bác sĩ Thông nói.

Những ngày qua, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện liên tục tuyên truyền về cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết để người dân nắm. Già làng Pơloong Croóh, thôn Tàvàng (xã A Tiêng) cho biết: “Nhờ thường xuyên nghe tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ y tế, chúng tôi hiểu hơn về tác hại của bệnh sốt xuất huyết. Hiện nay, tôi cùng với trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn thường xuyên đi vận động người dân mỗi tuần phải dọn dẹp thôn xóm, nhà cửa sạch sẽ, nơi nào có nước đọng sẽ nạo vét cho thông, chum ché không dùng thì úp ngược xuống đất để muỗi không có môi trường sinh sôi”. Theo ông A rất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cần sự chung tay của cả cộng đồng và ý thức tự giác của mỗi người dân chứ không chỉ riêng ngành y tế. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn như phun thuốc diệt muỗi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, khâu tuyên truyền, vận động được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

ĐÌNH HIỆP