Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri: Cần có chế tài đủ mạnh
Chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương được nâng cao khi cơ quan chức năng, người có thẩm quyền tập trung giải quyết dứt điểm những ý kiến, kiến nghị của cử tri, hay qua các kết luận giám sát của các ban và Thường trực HĐND các cấp.
Còn hạn chế
Đánh giá về hoạt động của HĐND tỉnh và cấp huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh cho rằng vẫn còn có các vấn đề cần quan tâm khắc phục để thực hiện tốt hơn vai trò của cơ quan dân cử. Trong đó, hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND và các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND cấp huyện đôi lúc hiệu quả chưa cao, phần lớn báo cáo kết quả giám sát chưa được xem xét, báo cáo trước kỳ họp để đại biểu thảo luận, cho ý kiến làm cơ sở trong việc tổ chức thực hiện các kiến nghị. Nhiều địa phương chưa thực hiện giám sát, thẩm tra việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri theo luật định. Theo ông Lê Tấn Trung - Chủ tịch HĐND huyện Quế Sơn, chất lượng quyết định của HĐND mỗi cấp có liên quan rất lớn đến tính phản biện, kiến nghị của các báo cáo thẩm tra của các Ban và Thường trực HĐND. Trong thực tế hiện nay, một báo cáo thẩm tra thật sự có chất lượng, khoa học, kiến nghị nhiều nội dung xác đáng đối với cấp xã còn hạn chế; cấp huyện có khá hơn, nhưng còn những hạn chế do trình độ hiểu biết, nắm bắt và năng lực chuyên môn của các thành viên trong Thường trực HĐND và các ban. “Cho nên báo cáo thẩm tra có tính tư vấn, đưa ra những đánh giá và kiến nghị, định hướng giúp cho các đại biểu HĐND thảo luận đi đến quyết định còn hạn chế” - ông Trung nhìn nhận.
Ông Trung cho rằng, khi cơ quan UBND cùng cấp trình ra nội dung gì đó theo chương trình kỳ họp HĐND, các ban hoặc Thường trực HĐND kiểm tra, thẩm tra để có báo cáo thẩm tra trình trước HĐND thường căn cứ vào các nội dung của cơ quan trình, xem đúng hay không đúng, đồng ý/không đồng ý, rồi có kiến nghị; chứ còn qua thẩm tra đó, mình thấy phát sinh những cái cần thiết hơn mà không có trong báo cáo của UBND, các cơ quan thẩm quyền nhưng có cùng một nội dung, mục đích hướng đến thì còn lệ thuộc, bị động nhiều. Việc đầu tư thẩm tra kỹ lưỡng đối với những vấn đề chưa rõ, còn băn khoăn bằng việc có thể đi thực tế, làm việc trực tiếp với các ngành, địa phương liên quan để làm rõ các vấn đề cần qua tâm chưa nhiều do không có thời gian. Bởi có một khuyết điểm tồn tại lâu nay, kéo dài qua nhiều kỳ họp chưa khắc phục được là cơ quan trình đề án trễ so với yêu cầu; thậm chí có những nội dung đến kỳ họp mới phát hành. “Tôi đề nghị trong hoạt động thẩm tra để phục vụ cho việc thảo luận, xem xét quyết định các quyết sách của HĐND cần có quy định chặt chẽ về chế độ trách nhiệm, thời gian, nội dung và tính phản biện cao” - ông Trung kiến nghị.
Cần có chế tài mạnh
Thảo luận tại hội nghị giao ban với Thường trực HĐND tỉnh mới đây, nhiều ý kiến của Thường trực HĐND cấp huyện cho rằng, chế tài về mặt trách nhiệm trong quá trình giải quyết, xử lý những nội dung qua chất vấn, tranh luận nổi lên và qua ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa đủ mạnh. Kết luận của Thường trực HĐND và các Ban HĐND qua phiên họp giải trình, hoạt động giám sát, có những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực thi nghiêm túc nhưng cũng có nơi làm không đến nơi đến chốn; việc chế tài chỉ ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Qua theo dõi ở cả ba cấp, có nhiều nội dung kiến nghị chính đáng, bức xúc nhưng cơ quan chức năng, người đứng đầu cứ tiếp thu và hứa hẹn, còn khi nào được giải quyết dứt điểm thì không có lộ trình cụ thể. Như vậy là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền và chất lượng hoạt động của HĐND, dẫn đến cử tri thiếu tin tưởng. Theo đó, ngoài việc giám sát kết quả giải quyết, đồng thời cũng cần có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các các cơ quan chức năng được giao giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chia sẻ tại hội nghị này, ông Huỳnh Thạch - Phó Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình cho rằng những kiến nghị của các Ban HĐND, Thường trực HĐND có kết luận giám sát vẫn không được ngành chức năng giải quyết, trả lời, có biểu hiện làm cũng được mà không làm cũng được. “Quá trình thực hiện giám sát đối với các vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc được thực hiện rất nghiêm túc, có kết luận và kiến nghị rõ ràng nhưng việc chấp hành giải quyết thì “nhởn nhơ”. Nhiều lúc thấy tủi thân, vì ở đây chúng tôi làm theo luật và cơ quan chuyên chức năng phải chấp hành, vì quyền lợi chính đáng của người dân. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần bổ sung chế tài khi có dấu hiệu vi phạm trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả giám sát của HĐND” - ông Thạch đề xuất.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thì việc theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả giải quyết các nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri cần được tăng cường hơn. “Thường trực HĐND huyện có một đồng chí Huyện ủy viên, một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy nhưng tại sao khi tổ chức thực hiện giám sát, có kiến nghị nhiều lần nhưng cơ quan chức năng, chính quyền xã không thực hiện, từ đó nảy sinh tư tưởng chủ quan. Các đồng chí phải sử dụng quyền lực mềm - nghĩa là trong các cuộc họp đánh giá, kiểm điểm cuối năm các vấn đề kiến nghị cần được nêu ra, xem đây là nội dung để gợi ý kiểm điểm, đánh giá. Chứ không để giám sát xong thì xếp cất kết quả vào tủ” - ông Phan Việt Cường nói.