Điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn: Bổ sung nhiều giải pháp
Người dân phản đối các bãi chứa, khu xử lý rác thải một phần có nguyên do từ khâu quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh không phù hợp với thực tiễn bảo vệ môi trường bền vững. Vì vậy, việc điều chỉnh lại quy hoạch được kỳ vọng sẽ giải quyết các bất cập trong chuỗi thu gom – tập kết – vận chuyển – xử lý rác thải hiện nay.
Xóa bỏ các điểm trung chuyển
Theo Sở TN&MT, đối với CTR sinh hoạt, khu vực nông thôn, chính quyền xã thành lập các tổ hợp tác thu gom rác bằng phương pháp thủ công hàng ngày hoặc cách ngày đến điểm tập kết, điểm trung chuyển để các đơn vị dịch vụ vận chuyển rác thải vận chuyển cơ giới đến các khu xử lý tập trung. Đối với các xã vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện để thành lập các tổ hợp tác thu gom rác thải thì các địa phương chủ động thành lập các tổ tự quản ở các thôn, giúp các hộ gia đình, chủ nguồn thải tự phân loại rác thải tại nguồn.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - ông Võ Như Toàn cho biết, điểm đáng chú ý khi xây dựng điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030 là không quy hoạch trạm trung chuyển mà chỉ quy hoạch các điểm tập kết rác thải. Ngoài đô thị Hội An, TP.Tam Kỳ sẽ thực hiện thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở một số phường như An Mỹ, Tân Thạnh, An Xuân, An Sơn, Hòa Hương; xã đảo Tam Hải; các khu vực chức năng đặc thù. Bên cạnh đó, thí điểm phân loại tại nguồn cho các công trình du lịch, thương mại dịch vụ dọc ven biển Điện Bàn - Hội An; các trung tâm huyện.
Về CTR công nghiệp nguy hại được thu gom, vận chuyển 3 tuyến đường. Tuyến 1 là từ Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc, An Hòa - Nông Sơn; các KCN, Cụm công nghiệp (CCN) huyện Đại Lộc, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn. Tuyến 2 gồm từ các KCN Đông Quế Sơn và các KCN, CCN huyện Quế Sơn, Thăng Bình và Duy Xuyên. Tuyến 3 từ các KCN trong Khu kinh tế mở Chu Lai và các KCN, CCN huyện Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh. Theo đề xuất của Sở TN&MT, tại các khu xử lý CTR sinh hoạt đều có khu vực xử lý CTR xây dựng. Bãi chôn lấp rác thải không chứa cát, gạch, đá, bê tông vỡ… Theo quy hoạch cũ (Quyết định số 154 ngày 12.1.2011 của UBND tỉnh), toàn tỉnh quy hoạch 80 trạm trung chuyển rác thải CTR. Trong đó, có 68 trạm phục vụ sinh hoạt, 12 trạm phục vụ công nghiệp. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh khẳng định, nội dung điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ loại bỏ trạm trung chuyển, chỉ quy hoạch các điểm tập kết CTR sinh hoạt. Lý do, nhân dân và chính quyền địa phương bức xúc về trạm trung chuyển gây ô nhiễm môi trường, vị trí đặt không phù hợp.
Hình thành khu xử lý liên vùng
Đến 18.9, sau gần 2 tháng bị người dân “cấm đường”, rác thải sinh hoạt ở các khu vực Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Tiên Phước vẫn chưa được đưa vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành). Rác thải mang đến tập kết ở các điểm trung chuyển tự phát không được xử lý ở vùng nông thôn các địa phương này luôn trong tình trạng ứ đọng, bị ô nhiễm nặng.
Theo điều chỉnh quy hoạch sẽ có tổng cộng 30 khu xử lý với tổng diện tích hơn 218ha (tăng 6 khu và loại bỏ 4 khu không còn phù hợp). Mỗi khu sẽ được xác định cụ thể địa điểm, quy mô diện tích, định hướng công nghệ, phạm vi phục vụ, xác định khoảng cách đến các khu dân cư và có xác nhận của địa phương, lấy ý kiến rộng rãi từ người dân.
Theo UBND tỉnh, điều chỉnh quy hoạch CTR đến năm 2030 là hình thành 3 khu xử lý CTR liên vùng. Cụm động lực số 1 là khu xử lý Đại Nghĩa, phục vụ các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An. Cụm 2 là khu xử lý Quế Cường phục vụ các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên. Cụm 3 là khu xử lý Tam Xuân 2, Tam Nghĩa phục vụ TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Khu kinh tế mở Chu Lai. Còn lại mỗi địa phương đề xuất 1 khu xử lý cấp huyện, riêng Bắc Trà My đề xuất thêm 3 khu xử lý mới. Điểm mới của điều chỉnh quy hoạch CTR lần này là bổ sung vào quy hoạch CTR xây dựng, bùn thải mà trước đây không đề cập. Quy hoạch cũ chưa giải quyết triệt để bài toán các bãi rác chôn lấp trên địa bàn đầy rác, buộc đóng cửa, hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, điều chỉnh quy hoạch CTR đến năm 2030 sẽ tạo ra hệ thống khu xử lý liên vùng và mỗi địa phương chủ động đầu tư thêm khu xử lý cục bộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch CTR đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bởi các lý do trong hồ sơ quy hoạch trước đây chỉ nêu tên, địa điểm các khu xử lý chất thải, mà không xác định rõ vị trí, tọa độ cũng như hiện trạng sử dụng đất. Cạnh đó chưa quy hoạch các khu xử lý rác thải xây dựng, CTR công nghiệp.
Về giải pháp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh lưu ý, phải căn cứ tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành trong việc quy hoạch quản lý CTR. Việc lấy ý kiến bao gồm cả địa phương và nhân dân, bởi có nơi địa phương đồng thuận nhưng người dân phản đối. Trong giải pháp về quản lý CTR, chính quyền tỉnh đặc biệt lưu tâm đến phân loại CTR tại nguồn. Đưa chủ trương phân loại rác tại nguồn vào các quyết định hoạt động trong các ngành có liên quan. Đồng thời, giảm thiểu hình thức chôn lấp, áp dụng các công nghệ xử lý lò đốt hiện đại mà các nước trên thế giới đã triển khai.