Hàng chục nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Sáng 18.9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh tại Sở LĐ-TB&XH. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình làm trưởng đoàn giám sát.
Theo báo cáo, hiện nay toàn tỉnh có hơn 397 nghìn trẻ em, trong đó 21.277 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 53.571 trẻ có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đây là nhóm trẻ dễ có nguy cơ bị xâm hại nhất. Trong nhiệm vụ quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bảo vệ trẻ em; thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (cha mẹ ly hôn, hộ nghèo, bảo trợ xã hội, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo...). Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình nhà tạm lánh an toàn cho bà mẹ và trẻ em để hỗ trợ khi bị xâm hại, liên tục tư vấn, hỗ trợ và can thiệp kịp thời những trường hợp bị bạo lực, xâm hại qua đường dây nóng 18001581 hoặc tiếp nhận thông tin từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khi nhận được tin tố giác, cầu cứu.
Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cấp ngành trung ương cần quy định cụ thể hành vi xâm hại tình dục trẻ em trong các văn bản quy phạm pháp luật để tránh bỏ lọt tội phạm; cần ban hành nghị quyết của Quốc hội về quy định tỷ lệ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác trẻ em; tăng cường giám sát thực thi Luật Trẻ em; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể hơn các quy định của Luật Trẻ em...
Đoàn ĐBQH ghi nhận những kiến nghị của ngành LĐ-TB&XH tỉnh và sẽ có tổng hợp báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.