Du lịch có trách nhiệm
Du lịch đã đem đến một bộ mặt mới cho Quảng Nam, nhất là tại các vùng sở hữu di sản thế giới; tuy nhiên đi kèm theo đó là vấn đề nan giải về rác thải. Nhân sự kiện các bên liên quan của ngành du lịch Quảng Nam ký kết chương trình hành động hướng đến du lịch không rác thải nhựa trong khuôn khổ hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam - Du lịch không rác thải nhựa” vừa diễn ra tại TP.Hội An; Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Michael Croft - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam và ông Pieter Debrine - Giám đốc Chương trình du lịch bền vững, Trung tâm Di sản thế giới - UNESCO Paris xoay quanh cơ hội, thách thức của Quảng Nam với chủ đề này.
* Quan điểm của ông về du lịch bền vững như thế nào, thưa ông Michael Croft?
Ông Michael Croft: Trước tiên tôi khẳng định, UNESCO luôn ủng hộ những sáng kiến về phát triển bền vững, bởi chủ đề trên rất quan trọng. Như các bạn biết, trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, và toàn ngành du lịch, các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng đang đưa ra những quyết định mà có thể ảnh hưởng tới nhiều thập kỷ tới, thì việc chúng ta có chung nhận thức và nếu có thể thì cùng một phương thức tiếp cận về những vấn đề có liên quan là điều hết sức quan trọng.
Chúng ta cũng nhớ lại thời điểm Hội An được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, khi đó, những ngôi nhà cổ và di tích nơi đây dường như còn đang ngủ quên và trong diện cần được trợ giúp hơn là những nhân tố đóng góp tích cực vào sự phát triển. Đặc biệt khi đó, ý niệm về lợi ích của du lịch mang lại cho di sản có vẻ như chỉ là giấc mơ.
Qua 20 năm, chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch cùng những thay đổi mà du lịch đã mang lại cho người dân. Đến nay thì sự gia tăng lượng khách du lịch tới Hội An cũng không còn là một điều bất ngờ. Tuy nhiên, cũng như các di sản khác, chúng ta sẽ làm gì khi mà những nét văn hóa và đặc tính tự nhiên của di tích, trong đó có những giá trị nổi bật toàn cầu đang dần bị tác động bởi số lượng khách gia tăng? Nếu như nghịch lý này bị bỏ quên, nếu như chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương không chung tay xây dựng chiến lược cụ thể và có những hành động mang tính tập thể thì tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh chóng này sẽ bào mòn các giá trị cốt lõi. Đây chính là câu hỏi căn bản mà chúng ta cần giải đáp để hướng đến sự phát triển du lịch bền vững.
* Ông đã nói vậy, thì về phía UNESCO, ông có thể đưa ra vài gợi ý về giải pháp?
Ông Michael Croft: Hội An giờ đây là một điểm đến du lịch thu hút, vì vậy, khi có những thay đổi thì chiến lược quản lý cũng cần được thay đổi. Có lẽ chúng ta cũng không nhất thiết phải chú trọng tới số lượng khách du lịch nữa mà cần tính đến những chỉ số khác như số lượng khách đến và quay trở lại Hội An, điều này mang nhiều ý nghĩa hơn. Tôi cũng cho rằng, những câu chuyện về doanh thu hiện không phải là mối quan tâm hàng đầu nữa mà chính là việc sử dụng những lợi nhuận thu được như thế nào đối với chất lượng cuộc sống của cộng đồng và nhân dân. Kể cả, số đầu tư trở lại vào công tác quản lý và bảo tồn di sản đã hợp lý hay chưa?
Có hai câu hỏi mà chúng ta cần tìm lời giải hiện nay là, liệu rằng sự gia tăng số lượng khách du lịch có đóng góp vào công cuộc bảo tồn những giá trị của di sản không? Liệu sự gia tăng đó có làm bào mòn giá trị của di sản hay không? Đặc biệt, sự gia tăng lượng khách du lịch có giúp nâng cao mức sinh hoạt, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện môi trường hay không?
* Nếu câu trả lời là KHÔNG, thưa ông?
Ông Michael Croft: Thì tôi cho rằng, đã tới lúc chúng ta cần phải hành động. Khi chúng ta trả lời được các câu hỏi này sẽ cung cấp những thông tin bổ ích để hoạch định các chương trình, hoạt động, đồng thời tạo cho chúng ta những nguyên tắc căn bản để hoạch định các chương trình đó. Và, một trong những nguyên tác căn bản chính là mối quan hệ đối tác công, tư và xã hội dân sự nhằm tạo ra những điều kiện để thúc đẩy các hoạt động vì sự phát triển bền vững. Sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan chức năng cũng rất quan trọng, tuy vậy nếu không có sự tham gia của khu vực tư nhân, hẳn sẽ chẳng thể nào có phát triển bền vững. Điều này cũng có nghĩa thành tựu của các khu di tích có được hôm nay chính là thành tựu của cả cộng đồng. UNESCO vui mừng khi chứng kiến mối quan hệ hợp tác đa phương này, nhất là nó đã và đang tiếp tục phát triển và ngày càng vững mạnh. Những mối quan hệ đối tác này còn có ý nghĩa quan trọng khi những thách thức mà chúng ta đối mặt đang ngày càng gia tăng và đỏi hỏi nhiều bên tham gia. Tôi lấy ví dụ về chủ đề rác thải nhựa. Xin hỏi, liệu đây có phải là vấn đề của chính phủ, của cộng đồng, của doanh nghiệp, của ngành du lịch, hay của môi trường? Dĩ nhiên câu trả lời là tất cả các lĩnh vực. Nên chúng ta cần bắt đầu từ những hành động nhỏ thiết thực. Phát triển bền vững hay du lịch bền vững sẽ chỉ là những khái niệm sáo rỗng nếu như chúng ta không có hành động cụ thể nào.
* Vậy, thưa ông Pieter Debrine, câu chuyện Hội An hướng tới đô thị du lịch không rác thải nhựa để tạo ra thương hiệu du lịch riêng biệt trong tương lai liệu có khả thi không?
Ông Pieter Debrine: Đầu tiên, tôi phải gửi lời chúc mừng đến Hội An nói riêng cũng như Quảng Nam nói chung về việc các bạn đã sớm nhận thức nguy cơ của rác thải nhựa đối với du lịch để hành động trước khi quá muộn. Có thể nói việc hướng tới một đô thị du lịch không rác thải nhựa - đặt trong trường hợp Đô thị cổ Hội An là câu chuyện vô cùng khó khăn và cả một quá trình. Cần phải tách bạch ở chỗ các bạn đã và đang cố gắng hạn chế phát thải đồ nhựa dùng một lần, điều này vẫn đơn giản hơn việc nói không hoàn toàn với rác thải nhựa trong du lịch. Để có thể hạn chế tối đa rác thải nhựa trong du lịch điều cần thiết nhất nằm ở việc phải có một chuỗi giá trị tuần hoàn. Điều tôi muốn đề cập ở đây chính là các nhà cung ứng thường là nơi khởi nguồn của rác thải nhựa; nỗ lực của các khách sạn, nhà hàng… là chưa đủ nếu đầu vào của nguyên vật, liệu phục vụ cho du lịch vẫn có bóng dáng của vật liệu khó phân hủy. Một vài chuỗi cung ứng nhỏ hiện nay ở Hội An đã mang tính sinh thái và rất cần được ủng hộ, nhân rộng.
* Thưa ông, Hội An hay rộng hơn là Quảng Nam cần những gì để chương trình hành động này thực sự thu được kết quả?
Ông Pieter Debrine: Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở mảng này, phải nhìn nhận tiến trình cho việc hạn chế rác thải nhựa trong du lịch trên toàn cầu hiện nay rất chậm. Chúng ta cần những cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp du lịch cảm thấy có ý thức và động lực hành động để “có thưởng, có phạt” hay gọi nôm na là “cây gậy và củ cà rốt”. Chúng ta nên tiếp cận chương trình này từ góc độ địa phương bởi trên toàn cầu hiện nay chưa có một cơ chế chính thức nào để quản lý vấn đề này cả. “Vision (tầm nhìn)” là từ ngắn gọn nhất tôi muốn gửi gắm cho chương trình này của các bạn, chúng ta phải có tầm nhìn quản lý cho đến tầm nhìn thực hiện. Có vẻ Hội An đã bị “ngợp” và lúng túng bởi lượng khách du lịch tăng vọt chỉ sau một quãng thời gian ngắn vì vậy nếu không đưa ra những sự điều chỉnh phù hợp trong đó có việc hướng đến du lịch không rác thải nhựa thì nguy cơ bị bào mòn các trị cốt lõi của di sản là rất lớn. Chung quy lại, mọi điều đều phức tạp hơn bởi chúng ta không chỉ làm du lịch đơn thuần mà đang khai thác du lịch trên mảnh đất tọa lạc di sản thế giới.
* Việc du lịch không rác thải nhựa phát triển có phải là cơ hội lớn cho doanh nghiệp du lịch vốn phần lớn có quy mô vừa và nhỏ ở địa phương?
Ông Pieter Debrine: Xu thế này rõ ràng có lợi cho doanh nghiệp địa phương. Vấn đề là các doanh nghiệp phải mạnh dạn thay đổi tư duy và nắm bắt lấy cơ hội. Các sản phẩm du lịch sinh thái đúng nghĩa sẽ ngày càng có “đất” phát triển nhất là khi các bạn sở hữu tới hai di sản và một khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hầu hết du khách đến đây để muốn được trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên bản xứ thay vì hưởng thụ những tiện nghi cao cấp và các doanh nghiệp cần sáng tạo để các sản phẩm càng gắn liền với thiên nhiên thì sẽ càng hút khách và càng dễ dàng hơn trong việc “tẩy chay” rác thải nhựa. Đẩy mạnh truyền thông cho du khách cũng là điểm các doanh nghiệp địa phương cần lưu ý để bởi chỉ một khi du khách được thông tin đầy đủ về các chương trình, sản phẩm thì họ mới nhận diện và sử dụng một cách trách nhiệm nhất.
Trân trọng cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi này.