Già Bia của dân làng

ALĂNG NGƯỚC 18/09/2019 13:20

Ở tuổi 75, nhưng già Zơrâm Bia (ở thôn Pà Dấu 1, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) vẫn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Không chỉ nhiệt tình trong công việc, già Bia còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.

Già Zơrâm Bia đến từng hộ dân vận động bà con làm ăn, phát triển kinh tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Già Zơrâm Bia đến từng hộ dân vận động bà con làm ăn, phát triển kinh tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tận lực vì cộng đồng

Nhiều năm nay, ở thôn Pà Dấu 1, bất kể công việc gì, từ cưới hỏi, ma chay, cho đến giải quyết mâu thuẫn cộng đồng, già Bia cũng đều có mặt. Ông đứng ra tổ chức và giải quyết nhiều sự kiện quan trọng cho dân làng, nên được nhiều người kính mến. Già Bia tâm sự, năm 2004, sau thời gian nghỉ hưu trở về cuộc sống đời thường, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, tham gia công tác đảng tại địa phương. Đảm nhận công việc mới, bên cạnh xây dựng đội ngũ trẻ có đủ phẩm chất, đạo đức để rèn luyện, bồi dưỡng vào hàng ngũ của Đảng, già Bia còn trực tiếp nghiên cứu đổi mới các buổi sinh hoạt chi bộ, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ miền núi. Chỉ sau vài năm, Chi bộ thôn Pà Dấu 1 đã có nhiều bước chuyển, trở thành một trong những điểm sáng về công tác xây dựng Đảng ở thị trấn Thạnh Mỹ.

Đồng hành với bà con dân bản, già Bia nói, việc phải đứng ra làm cầu nối trong phát triển kinh tế, hay trở thành “hòa giải viên” bất đắc dĩ đã chừng quá quen với ông và cộng sự. Từ tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, thiếu nguồn nước sinh hoạt…, nếu xảy ra, người dân trong thôn đều chạy đến nhà ông để tìm hướng giải quyết. Như chuyện của chị Kaphu Thị P., nhiều năm trước, mỗi khi người chồng say xỉn, chị P. liên tục bị đánh đập khiến dân làng bức xúc. Sau mỗi cuộc hòa giải, dù nhiều lần viết cam kết nhưng người chồng vẫn bạo hành vợ. Đỉnh điểm vào năm 2016, sau trận đòn roi của chồng, chị P. đã bỏ về gia đình người thân, rồi tìm đến già Bia để nhờ can thiệp. Nhận thấy việc hòa giải không đem lại hiệu quả, già Bia giao sự việc của chồng chị P. cho chính người thân, tộc họ giải quyết theo luật lục người vùng cao nhằm răn đe, giáo dục. “Chồng P. bị tộc họ nghiêm khắc phê bình, nhờ thế đến nay, số lần vi phạm cũng đã giảm dần” - già Bia chia sẻ.

Sau 15 năm công tác ở thôn, đầu năm 2019, già Bia xin thôi không tham gia công việc vì tuổi cao nhưng đồng bào không đồng ý, với lập luận dù tuổi đã cao nhưng tinh thần, trí óc của già vẫn còn khá minh mẫn. Quan trọng hơn, cũng nhờ có tiếng nói của già Bia mà dân làng ở Pà Dấu 1 có cơ hội thay đổi cuộc sống, nhiều năm liền đạt chuẩn thôn văn hóa cấp huyện. Vì thế, ông phải nhận lời, tiếp tục đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, cùng quyết tâm đẩy mạnh công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tuổi cao gương sáng

Năm 1958, khi mới 14 tuổi, ông Zơrâm Bia được cử sang Lào làm giáo viên dạy chữ Cơ Tu cho người dân ở làng H’zunh (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào). Năm 1959, ông về lại Nam Giang, tham gia bộ đội thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5. Đến năm 1965, ông được kết nạp vào Đảng, tham gia phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng; 3 Huân chương Chiến công; 4 Huân chương Dũng sĩ Quyết thắng; cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Từng nhiều năm đảm nhiệm vai trò chánh án, rồi thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Nam Giang, nên việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân trong thôn luôn được già Bia phân xử hợp tình, hợp lý. Chỗ nào còn vướng mắc, vấn đề nào còn băn khoăn, bên cạnh giải thích cho người dân được hiểu, già Bia còn trực tiếp tìm cách tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi đôi bên. Năm 2017, đích thân già Bia cùng một số cán bộ thôn đến đất rẫy đang tranh chấp giữa hộ Arất L. và Arất Đ. để hòa giải, tìm tiếng nói chung. Bằng kinh nghiệm thực tế, thông qua ký hiệu riêng theo đường ranh giới giữa hai khu đất rẫy, già Bia đã “giải mã” được câu chuyện đôi bên, tiến hành giải quyết trong nội bộ mà không cần đến sự can thiệp của chính quyền địa phương. Vì thế, già Bia càng được dân làng tin tưởng, kính trọng.

Thôn Pà Dấu 1 có tất cả 173 hộ với 673 nhân khẩu, bao gồm nhiều thành phần dân tộc anh em chung sống. Nhiều năm qua, bằng vai trò nêu gương của một cán bộ lão thành cách mạng, già Bia đã vận động và củng cố tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó, những mâu thuẫn cá nhân đã dần được hạn chế, thay vào đó là sự sẻ chia, cùng giúp nhau trong cuộc sống. Phát huy tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, nhiều hộ dân ở Pà Dấu 1 có thêm cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Pà Dấu 1 chỉ còn hơn 27,7%.

Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ - ông Kaphu Tân cho hay, không chỉ nêu gương trong các hoạt động xã hội, già Zơrâm Bia còn là một trong những cán bộ thôn có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của thị trấn. Mặc dù tuổi đã rất cao, nhưng già Bia vẫn luôn tận tụy với công việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó. Gương ông, vì thế, luôn được cộng đồng học tập và noi theo.

ALĂNG NGƯỚC