Ngôi làng hạnh phúc
Rời khỏi làng cũ, người Xê Đăng đặt tên cho ngôi làng mới bằng địa danh của ngọn đồi trước đây vốn khu đất sản xuất chung cộng đồng. Lâng Loan, sau hơn một năm dời đến, góc núi mọc lên những ngôi nhà xinh xắn bên cánh đồng ruộng lúa nước bậc thang quyến rũ, hình thành một khu tái định cư nhộn nhịp giữa rừng.
Từ trung tâm xã Trà Cang (huyện Nam Trà My), một người dân địa phương chỉ tay về phía cánh rừng trước mặt, bảo Lâng Loan nằm sâu trong đó. Con đường mới dẫn vào làng hun hút giữa hai vạt núi khúc khuỷu, thâm u. Nơi “ngõ tắc” cuối đường về làng, ngó lên là thấy Lâng Loan hiện ra giữa bồng bềnh sương trắng sau một cơn mưa rào, dịu mát.
Làng kiểu mẫu
Tiếng nhạc xập xình vang lên từ ngôi nhà bên vệ đường bê tông dẫn về làng. Một vài thiếu nữ Xê Đăng cười hồn nhiên trước ống kính của khách. Không còn cảm giác rụt rè như hồi chúng tôi ghé làng cũ Măng Lưng để tìm hiểu về câu chuyện đau lòng dẫn đến cái chết của cặp vợ chồng trẻ do ăn lá ngón. Nơi này đã có sự đổi khác. Chúng tôi leo con dốc đầu làng, vừa ngước mắt lên, phía xa lưng chừng núi, đã thấy những căn nhà gỗ ngay hàng, thẳng lối. Tất cả được dựng lên, mới nhất chừng đâu chưa tròn một tháng.
Hồ Văn Vừa, cán bộ xã, cũng là người trong làng nói với chúng tôi, rằng do mất nhiều thời gian để tìm nguyên vật liệu làm nhà nên hầu hết hộ dân chuyển đến ở đều diễn ra rải rác theo từng thời điểm chứ không tập trung một lần như ở nhiều khu tái định cư khác. Vì thế, ở làng, xen giữa những ngôi nhà kiên cố, vẫn còn một vài căn đang trong quá trình hoàn thiện.
Như nhà của Vừa, chỉ mới dọn về hơn tháng trước. Nguyên vật liệu cả sườn nhà được Vừa tái sử dụng từ nhà ở làng cũ nên cũng không mất nhiều chi phí. Dù mỗi căn nhà ước chỉ rộng 100m2, nhưng bù lại, không gian rất thoáng mát. Khoảng đất trước nhà, Vừa tận dụng trồng ít rau thơm, vài luống sả, vừa xua đuổi được rắn rết, vừa góp thêm hương vị cho bữa ăn gia đình.
Lâng Loan, ngày trước có tên gọi là làng Măng Lưng, nằm phía bên kia dãy núi, cách địa điểm bây giờ khoảng 1km. Tháng 2.2018, sau sự cố xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng đe dọa tính mạng của hàng chục hộ dân, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời nhà cửa sang khu đồi bên cạnh đảm bảo an toàn, hình thành nên làng mới Lâng Loan. Hiện cả làng có 69 hộ với 303 nhân khẩu, cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 37%.
Nhiều nhà cạnh đó, học theo Vừa mà trồng thêm những luống rau thơm, mía ngọt cải thiện cuộc sống. Định cư ở vùng đất mới, để phục vụ nhu cầu cho bà con trong làng, vợ chồng Vừa mạnh dạn đăng ký vốn vay từ ngân hàng chính sách mở một quán tạp hóa nhỏ, chuyển hướng làm ăn. Lời lãi, dù ít nhưng cũng đủ giúp vợ chồng anh trang trải cuộc sống, mỗi ngày.
“Mai mốt, nếu tích cóp được khoản tiền kha khá, mình sẽ tính đến chuyện sửa sang lại căn nhà, láng nền xi măng, xây dựng hệ thống cầu tiêu, nhà tắm... để làm “mẫu” cho dân làng. Bởi tâm lý người vùng cao, bất kể việc gì, nếu có người làm trước thì mọi việc sẽ được tiếp nối” - Vừa nói, rồi lật đật chạy sang quầy tạp hóa để bán cho khách. Kể từ khi mở tạp hóa, ngoài công việc ở xã, Vừa luôn bận bịu với công việc phụ giúp gia đình.
Chúng tôi theo chân Hồ Văn Khuyên - Công an viên ở Lâng Loan đến thăm một số hộ quanh làng. Thật ngạc nhiên, dù chỉ mới chuyển đến, nhưng hầu như nhà nào cũng đều sạch sẽ, ngăn nắp, rất khác so với một vài khu dân cư lân cận mà chúng tôi từng đặt chân đến. Một làng kiểu mẫu đúng nghĩa với tên gọi. Thế mới nhớ, trước lúc đến với làng, khi câu chuyện được đề cập, Chủ tịch UBND huyện Hồ Quang Bửu chỉ ngay Lâng Loan - nói đó là khu dân cư điểm được quy hoạch và bố trí theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh.
Trong định hướng của huyện, ngoài ổn định sắp xếp dân cư, Lâng Loan sẽ trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách. Homestay sẽ được dựng lên, các món ăn dân dã, các vũ điệu văn hóa truyền thống của đồng bào Xê Đăng sẽ lần lượt được mang ra thành các sản phẩm du lịch, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nghiên cứu và phát triển cộng đồng xây nên “Ngôi làng hạnh phúc” - một mô hình của dự án Nhà chống lũ.
Mô hình này, sau khi hoàn thành sẽ gắn với sinh kế của làng, vừa hướng đến nâng cao ý thức cộng đồng trong phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, mà người dân chính là chủ thể quan trọng. Vì thế, từ Lâng Loan, Nam Trà My kỳ vọng trong tương lai, nhiều làng kiểu mẫu khác sẽ được hình thành, giúp địa phương giải quyết dứt điểm mối lo về “họa núi đè”, từng bước mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dưới chân núi Ngọc Linh.
Những ân tình chưa kể
Tiếng nhạc lại phát ra từ căn nhà phía cuối đỉnh dốc. Một nhóm người làng tụ tập ca hát. Hồ Văn Khuyên nói, là bữa tiệc mừng công trình nhà mới vừa mới hoàn thành. Mấy ngày trước, chính người làng đã bỏ công vận chuyển, rồi dựng lại căn nhà cho một hộ dân trong làng. Chủ nhà mừng công, chiêu đãi bằng những món ăn, thức uống “cây nhà, lá vườn”. Thế là vui. Coi như đã hoàn thiện thủ tục mừng nhà mới.
Kể từ hồi vách núi Măng Lưng ở làng cũ bị phát hiện có vết nứt rộng hơn 2m, dài gần 100m, hàng chục hộ người Xê Đăng thấp thỏm. Cuối năm 2017, đỉnh điểm của thiên tai khiến vách núi sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp nhiều diện tích ruộng lúa nước. Đất đá từ trên cao tràn xuống mấp mé sát cửa nhà, buộc họ phải di dời.
Vài tháng trước khi xảy ra lở núi, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành khảo sát, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng mặt bằng tại Lâng Loan. Trước đó, một cuộc họp được tổ chức để nghe ý kiến của người làng. Sau đó, một thông báo chung được phát đi, tất cả đều đồng ý về làng mới. Lục đục dời làng. Nhà cửa được tháo dỡ, tài sản được mang đi. Cả cộng đồng giúp nhau, với sự hỗ trợ của lực lượng dân quân xã, miệt mài vận chuyển đồ đạc lần lượt theo từng hộ gia đình. Rồi chính họ tự giúp nhau để dựng lại những căn nhà mới, như bây giờ.
Chủ tịch UBND xã Trà Cang - ông Trần Xuân Mố nói với chúng tôi, có đến 13 hộ dân tình nguyện hiến đất, hoa màu để triển khai mặt bằng dân cư mới ở Lâng Loan. Nhiều nhất, là hộ Hồ Văn Hai, với diện tích đất rộng hơn 2.000m2. Số còn lại, hoặc là dựng nhà trên phần đất của mình, hoặc là chia sẻ với người thân, thậm chí là hoán đổi vị trí giữa người làng theo thỏa thuận hai bên gia đình. Chỉ hơn nửa năm, làng mới Lâng Loan đã được hình thành, phủ rộng cả một ngọn đồi xanh ngát. Mối lo cũ về sạt lở đất cơ bản đã được giải quyết. Người ở Lâng Loan an cư trên vùng đất mới. Ngoài trồng lúa, trồng hoa màu, bây giờ các hộ dân có thêm công việc mới là chăm sóc dược liệu dưới tán rừng, mà chủ yếu là cây sâm Ngọc Linh vừa được di thực.
“Vài năm nữa, khi sâm Ngọc Linh đến thời kỳ thu hoạch, người dân ở Lâng Loan sẽ không còn hộ nghèo như bây giờ. Khi cuộc sống người dân hoàn toàn dựa vào rừng, việc giữ rừng sẽ càng được xem trọng, bởi lúc đó rừng với họ chính là nguồn sống không thể tách rời” - ông Mố chia sẻ.
Cuối chiều. Trên khoảng sân cỏ rộng cuối làng, một nhóm thanh niên Xê Đăng đang tổ chức giao lưu bóng đá. Họ cũng vừa trở về từ buổi chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh. Hồ Văn Khuyên nhẩm tính, cả làng có đến hàng nghìn cây sâm được di thực, trồng thử nghiệm từ hơn 3 năm trước. Từ ngày có vườn sâm, cả làng thành lập ra 5 nhóm hộ để duy trì công việc chăm sóc, bảo vệ. Vì thế, ở Lâng Loan, việc đốt nương, làm rẫy cũng không còn xảy ra nữa nên rừng ngày càng thêm xanh tươi.