Nhu cầu “sính ngoại”!

S.A 13/09/2019 13:03

Thị trường và nhu cầu về hàng ngoại sôi động trong vài năm trở lại đây. Tâm lý chuộng “hàng xách tay” hay hàng nhãn mác nước ngoài, khiến việc kinh doanh từ trực tuyến đến mở cửa hàng rộ như nấm sau mưa. Nhưng liệu có kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng của các mặt hàng này?

Theo một cuộc khảo sát năm 2018 của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%). Công bố của Nielsen chỉ rõ, có tới 56% người Việt sẵn sàng chi tiền để mua hàng hiệu… Khảo sát từ Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 cũng cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng Việt yêu thích và thường mua sản phẩm trong nước đã giảm 18% (năm 2017) và 22% (năm 2018). Theo hiệp hội này, không chỉ các sản phẩm có giá trị cao như hàng điện tử, thời trang, các mặt hàng tiêu dùng thương hiệu ngoại cũng nhận được sự quan tâm của người Việt. Trung bình cứ 10 người mua bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp và đồ uống không cồn thì khoảng 4 người lựa chọn sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, cả trái cây, người tiêu dùng cũng sính dùng hàng xách tay, dù giá rất cao. Ngay cả ở thị trường tỉnh lẻ như Quảng Nam, tại hai đô thị là Hội An và Tam Kỳ, những cửa hàng kinh doanh chuyên biệt các loại sản phẩm xách tay đang mọc lên khá rầm rộ. Không có nhãn phụ, không tem dán từ nhà sản xuất, vậy nhưng người mua vẫn tìm đến vì “tin” vào nguồn hàng này. Và không một cơ quan chức năng nào đủ sức để kiểm soát hết chất lượng hàng hóa ở những cơ sở này.

Mới đây, một tờ báo thông tin, hiện nay trên thị trường, hàng xách tay chủ yếu là hàng vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam theo đường hành lý của hành khách khi nhập cảnh, nhưng nhiều nhất vẫn qua cửa khẩu các tỉnh phía bắc. “Hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc ẩn chứa nguy cơ gây thất thu thuế, gây mất an toàn cho người sử dụng, đồng thời gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi đó, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và chất lượng hàng nội địa còn hạn chế đã làm cho thị trường hàng xách tay vẫn có đất sống” - tờ báo này nhận định. Ranh giới giữa hàng xách tay, hàng ngoại vô cùng mong manh. Và không ai khác, người chịu thiệt chính là người sử dụng.

“Sính ngoại” đã gần như là tâm lý phổ biến của người Việt. Thứ gì từ phương Tây cũng được mặc định là tốt hơn, kể cả khách du lịch. Báo chí mấy ngày nay bàn tán chuyện chủ cửa hàng tại một vùng đất du lịch vẫn thích tiếp khách Tây hơn Việt, vì giá bán cao hơn, vì “gu” Tây lịch lãm, vì... sang hơn khi tiếp khách Việt. Dù không ai dại gì mà trưng bảng chỉ bán cho Tây, nhưng rõ ràng, thái độ hành xử của chủ quán với khách hàng đã cho thấy rõ điều đó.

Vậy đến khi nào người Việt mới “tỉnh táo” trước tâm lý sính ngoại? Đó là khi họ thật sự định vị được giá trị của mình, kiêu hãnh với những vốn liếng quý giá của dân tộc mình, thì khi đó, mới không cảm thấy yếm thế khi đứng trước các quốc gia khác.

S.A