Hấp lực từ những sản phẩm mới
Du lịch phải làm gì để có những bước đi bứt phá, ngoạn mục hơn trên nền tảng giá trị các di sản? Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp, hãng lữ hành, nhà quản lý... và lắng nghe những kỳ vọng về một cuộc “làm mới mình” từ chỗ dựa di sản.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality: “Lấy môi trường làm sản phẩm du lịch”
Theo cái nhìn của doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch, việc UNESCO công nhận Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới có ý nghĩa rất quan trọng và là điểm then chốt để câu chuyện phát triển du lịch đi đến thành công như hôm nay. Qua sự công nhận đó, cộng đồng thế giới đã biết nhiều đến Hội An cũng như Mỹ Sơn. Từ đó, người dân Hội An cũng như cộng đồng doanh nghiệp hiểu rằng giá trị của đô thị cổ, của Mỹ Sơn là sản phẩm rất tốt cho ngành du lịch, tạo ra nền móng để ngành phát triển và giúp bước đi ngày một vững chãi hơn.
Lấy môi trường làm sản phẩm du lịch là một cách du lịch khôn ngoan. Làm du lịch là dựa vào môi trường bản địa, dựa vào văn hóa, hơn ai hết chính mình phải nghĩ ra sản phẩm để bảo vệ văn hóa cộng đồng tốt nhất. Ngoài kinh doanh, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải chia sẻ với cộng đồng, càng chia sẻ nhiều càng bền vững. Ví dụ từ làng rau hữu cơ - organic đầu tiên của Hội An ở Thanh Đông là dự án từ sự chung tay của chính quyền cùng tổ chức phi chính phủ với nông dân. Làm thế nào tiếp cận nguồn khách cao cấp, văn minh, hướng đến bảo vệ môi trường, không phân biệt châu Âu, châu Á, Việt Nam là hướng đi của tôi, bằng cách tạo ra sản phẩm cho họ, và họ tự đến.
Người ta hay nói bảo tồn mâu thuẫn với phát triển. Nhưng thực lòng đây là điều do chúng ta nhận thức. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi suy nghĩ này. Vì trong ngành du lịch, muốn phát triển bền vững chúng ta phải dựa vào nền tảng văn hóa và thiên nhiên. Văn hóa càng đậm đặc, thiên nhiên càng được bảo tồn bao nhiêu thì việc phát triển du lịch càng tốt bấy nhiêu. Có điều, bản thân mỗi sản phẩm du lịch đều được định vị bởi một dòng khách, thị trường, nhưng hiện nay chúng ta chưa có định vị về thị trường khách của mình. Cho nên ngay từ đầu, khi xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế bản địa, chúng ta cũng cần đồng thời định vị sản phẩm của mình là sản phẩm cao cấp, trung cấp hay sản phẩm bình dân, để từ đó biết cách đưa khách đến như thế nào.
Ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Công ty Du lịch Hội An Kayak Tour: “Chia sẻ lợi nhuận để bảo vệ môi trường”
Du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm không phải là điều quá mới mẻ ở nước ta, nhưng để thực sự xây dựng được một thương hiệu chung cho cả thành phố không phải là điều dễ dàng. Cách đây tầm 4 năm, rác thải trôi nổi ở hạ lưu sông Thu Bồn quá nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh càng thôi thúc chúng tôi hành động. Từ chỗ, việc làm của chúng tôi (nhặt rác trên sông) bị cộng đồng thờ ơ thậm chí… đàm tiếu thì nay nó đã lan tỏa thành một xu hướng thu hút đông đảo giới trẻ tham gia.
Đến nay ngoài việc thực hiện tour tuyến kinh doanh hàng ngày, đơn vị vẫn duy trì các buổi nhặt rác không cần thù lao công sức vào cuối tuần với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Hoạt động cũng tranh thủ được lượng đáng kể người nước ngoài sinh sống, làm việc ở Hội An. Để hoạt động không nhàm chán và luôn có tính mới mẻ, Hội An Kayak Tour cũng cố gắng xây dựng các sản phẩm đi kèm như ngắm bình minh, ngắm hoàng hôn trên sông Thu; trải nghiệm các làng chài, làng chiếu ở Duy Xuyên…
Càng gắn du lịch không rác thải đến gần hơn với cộng đồng càng có cơ hội thực hiện hạn chế rác thải nhựa, bởi mọi sinh hoạt từ vui chơi giải trí đến ẩm thực… phục vụ cho du khách ở các làng quê hầu hết mang tính chất sinh thái, hạn chế sự phát thải tổn hại đến môi trường. Bên cạnh đó, việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch có trách nhiệm cũng là cách tốt nhất để giúp cư dân địa phương nhận thức được giá trị cốt lõi mà tự nhiên mang lại, từ đó có những điều chỉnh về hành vi để ứng xử thân thiện hơn với môi trường. Ở những năm đầu tiên thực hiện hoạt động du lịch không rác thải này, Hội An Kayak Tour phải chấp nhận bỏ ra khoảng 30% lợi nhuận cho các hoạt động vì môi trường. Đến nay, khoảng 80% nguyên vật liệu phục vụ khách du lịch của đơn vị hoàn toàn thân thiện với môi trường, trừ một số khâu bắt buộc chưa có phương án thay thế.
Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An: “Phải giữ được đặc thù của phố cổ”
Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1999 đã mang đến nhiều cơ hội cho du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, đặc biệt là tạo sức sống cho nhiều sản phẩm du lịch văn hóa gắn với không gian phố cổ, dù một số sản phẩm đã xuất hiện từ trước đó. Nhìn lại, sản phẩm ấn tượng nhất chính là “Đêm phố cổ“ ra đời năm 1998. Lúc đầu cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên làm mỗi tuần một đêm, nhưng cuối cùng mình vẫn quyết tâm làm suốt tuần. Tháng 1.2010 mình thực hiện đêm đầu tiên, chỉ bán được vài chục vé. Dần dà khách đông, mình mở thêm chợ đêm Nguyễn Hoàng (năm 2013); rồi mở lớp dân ca, mở lớp hợp xướng trong phố về đêm, mở phố ẩm thực trên đường Công Nữ Ngọc Hoa, nghệ thuật cổ truyền, múa rối nước (năm 2014)…
Có thể khẳng định, dù phố cổ là một di tích văn hóa kiến trúc độc đáo nhưng yếu tố thu hút khách quay lại nhiều lần chính là cái hồn phố cổ với những sản phẩm bên trong nó đã trở thành thương hiệu như “Đêm rằm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ”, “Một ngày làm nông dân Trà Quế”, “Một ngày làm ngư dân Cù Lao Chàm”... Thực tế, bao nhiêu bình chọn, bao nhiêu danh hiệu cũng đều xuất phát từ cái hồn, cái chất văn hóa phi vật thể, đó là nếp sống, lối sống, con người, văn hóa, lễ hội… Tất nhiên, phố cổ làm cái phông cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật cổ truyền phát triển. Đơn cử, nếu bài chòi làm trên phố mới chắc chắn không thành công như trong phố cổ. Rõ ràng, nếu không có văn hóa phi vật thể, phố cổ cũng chỉ chừng mực nào đó chứ không nổi tiếng như hiện nay. Vấn đề bây giờ là mình đã có sản phẩm rồi, phải duy trì nó sao cho tốt. Để làm được điều này, yếu tố đầu tiên là con người, bởi đây cũng là một đối tượng của du lịch. Nếu đến một cảnh đẹp khách cũng chỉ ca ngợi một, hai lần, nhưng với tình người sẽ làm khách xúc động, thích thú, sẽ khiến người ta nhớ lâu, nhắc đến nhiều lần. Thứ hai, phải giữ cái đặc trưng, đặc thù của phố, ví dụ như nghệ thuật bài chòi, ở Bình Định, Phú Yên đều có nhưng khi nói đến bài chòi là người ta nhớ ngay đến Hội An vì mình tạo ra cái riêng cho nó. Thứ ba, quản lý nhà nước phải quan tâm theo dõi chăm sóc các sản phẩm; lãnh đạo phải nhìn xa trông rộng, thấu hiểu, quản lý để giúp tôn vinh, phát triển sản phẩm, còn những người, những cơ quan đơn vị thực hiện phải yêu nghề, yêu quê hương, yêu du lịch, phải có tâm. Một sản phẩm du lịch ra đời, sống được thì mình phải chăm sóc, chỉn chu nó, tất nhiên thô mộc trong du lịch tốt, nhưng không có nghĩa thô mộc là cẩu thả. Đặc biệt, người quản lý, lãnh đạo phải biết tôn vinh những nghệ sĩ thầm lặng trong hoạt dộng văn hóa - văn nghệ, tạo điều kiện cho họ sống đàng hoàng, sống được với nghề của mình.
Ông Nguyễn Thành Sang - Chủ tịch HĐQT PaLm Garden Resort (Hội An): “Muốn đóng góp cho di sản”
Năm 1999 khi Hội An, Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới, tôi nghĩ đây sẽ là cơ hội tốt để phát triển du lịch. Trong những lần về Hội An, nhìn thấy cơ sở hạ tầng nơi đây còn rất hạn chế, nhất là thiếu những cơ sở lưu trú du lịch đẳng cấp, nên quyết định đầu tư theo hướng này. Lúc bấy giờ Quảng Nam có cơ chế ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, nên tôi cũng được tỉnh cho phép đầu tư xây dựng khu du lịch 5 sao mang tầm vóc, đẳng cấp trên diện tích khoảng 5ha ven biển Cửa Đại. Năm 2005, khách sạn khánh thành, công trình được tỉnh Quảng Nam chọn gắn biển công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 30 năm giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, đồng thời trở thành khách sạn 5 sao đầu tiên ở Quảng Nam. Nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế tổ chức thành công tại Palm Garden không chỉ quảng bá cho khu du lịch mà còn góp phần giới thiệu đến khách quốc tế về những cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, đẳng cấp của Hội An, Quảng Nam.
Bây giờ nhìn lại, thấy rằng việc đầu tư Palm Garden Resort là một cơ duyên để tôi quay về Quảng Nam. Càng hạnh phúc hơn vì tôi được đầu tư, đóng góp, chia sẻ những thành công với bà con quê hương của mình. Thật sự tôi rất mang ơn mảnh đất này và muốn làm một điều gì đó để tri ân và đóng góp cho di sản. Trong Lễ kỷ niệm 20 năm ngày UNESCO công nhận Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới, chúng tôi cũng tổ chức chương trình “Nhạc cụ dân tộc và xe cổ”
nhằm quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng và du khách, tôi nghĩ đây cũng là cách đóng góp vào thành công chung của sự kiện. Và Palm Garden Resort cũng luôn tự làm mới mình từ không gian đến dịch vụ và cung cách phục vụ để làm hài lòng khách khi đến với vùng đất di sản Quảng Nam.
Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Jack Trần Tours: “Hấp dẫn khách bằng sự dân dã”
Trải qua hàng nghìn năm văn hóa Việt Nam gắn kết với nông nghiệp lúa nước, trong đó cuộc sống người nông dân đều gắn liền với cây lúa và con trâu. Lúa đã nuôi sống dân tộc này. Ngược lại, với người Tây văn hóa họ không như vậy. Chính sự khác biệt này làm cho du lịch nông nghiệp Việt Nam trở nên hấp dẫn. Bởi người Tây càng giàu, càng hiện đại càng thích sự dân dã và đời thường. Những cái tưởng chừng như bình thường của mình như con trâu, cái cày, chiếc nón, thậm chí đám bùn sình lầy đều khiến họ tò mò muốn khám phá. Nắm bắt được sự mong muốn trải nghiệm của khách phương Tây nên năm 2005 Jack Trần Tours (Hoi An Eco - Tours) được thành lập. Tuy nhiên, trước đó nhiều năm khi còn là học sinh, ý tưởng này đã có trong tôi. Đó là khi tôi còn học Trường THPT Trần Quý Cáp Hội An, tôi đã dẫn Tây về làng chài ở Phước Hải (phường Cửa Đại), rồi những tour cho khách trải nghiệm ở Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cửa Đại, khách vô cùng thích thú. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để có những trải nghiệm những điều mà ông bà họ đã từng làm nhưng đến thế hệ của họ thì không thể tìm thấy nữa vì đã công nghiệp hóa hết rồi.
Tôi nhớ mãi một kỷ niệm đẹp và bất ngờ về một vị khách rất yêu sự dân dã, mộc mạc. Vị khách này đã cùng chèo thúng, tung chài, kéo cá, thăm làng rau Trà Quế, cuốc đất, gánh nước tưới rau, khám phá rừng dừa nước Bảy Mẫu, ăn món bánh xèo do gia đình tôi làm. Một vị khách vô cùng đặc biệt. Đó là bà Tarja Halonen - cựu Tổng thống Phần Lan. Trong một chuyến thăm tới Việt Nam bà Tarja Halonen đã vượt hơn nghìn cây số bằng tàu lửa từ Hà Nội đến Đà Nẵng về Hội An, ở khách sạn Palm Garden và đã đi tour của Jack Trần Tours. Kể từ đó, rất nhiều du khách đi tour nông nghiệp này. Cùng với đó là hàng trăm nông dân, ngư dân, cộng đồng được hưởng lợi, nhiều vô kể. Nông dân giàu lên từ chính mảnh ruộng, con trâu của mình. Họ không bán ruộng, không bán vườn. Tôi đã bảo với họ rằng, tiền đang ở trong mảnh vườn, ruộng lúa của họ nên hãy gìn giữ... Đến nay, sản phẩm này vẫn được nhiều du khách thích thú, có những khách đi theo nhóm gia đình sẵn sàng bỏ ra 200 đô la hoặc nhiều hơn chỉ để có được những trải nghiệm về ruộng đồng. Tôi tin rằng, tương lai sản phẩm này sẽ tiếp tục thu hút khách để nông dân Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung được hưởng lợi từ loại hình du lịch nông nghiệp này.
Nhìn lại 20 năm qua, tôi thấy rằng du lịch Hội An thành công là nhờ cộng đồng người dân, nhất là vai trò của doanh nghiệp, vì họ là người trực tiếp làm việc và tương tác với khách, nên nắm bắt được những yêu cầu mà du khách mong muốn để thực hiện. Vì vậy, liên kết giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền chính là “tam giác vững chắc”, trong đó chính quyền đóng vai trò định hướng cho sự phát triển, để ai cũng được hưởng lợi từ du lịch, cụ thể hơn là từ danh hiệu của di sản mang lại. VĨNH LỘC (ghi)
Đẩy mạnh thị trường quà tặng lưu niệm
Trong môi trường du lịch, thị trường quà tặng lưu niệm được xem như một trong các cú hích đưa đến thành công cho lĩnh vực này.Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm du lịch thế mạnh, đến thời điểm này, sản phẩm lưu niệm tại 2 khu di sản văn hóa thế giới vẫn còn rất mờ nhạt. Các nguyên nhân được nhiều chuyên gia đưa ra bao gồm hệ thống cơ sở, cửa hàng bán các sản phẩm du lịch còn rất thiếu. Một số cơ sở tư nhân phát triển tự phát tại các điểm du lịch đặt nặng tính thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm hàng hóa thấp; vẫn tồn tại tình trạng hàng giả, hàng nhái, trong khi các cơ sở sản xuất địa phương không đủ vốn và năng lực đầu tư nhà xưởng, cửa hàng trưng bày để đón khách trực tiếp…
Đã có nửa thế kỷ gắn với sản phẩm đèn lồng phố Hội, Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba chia sẻ, điều sung sướng nhất trong đời ông chính là thấy được sự thành công của nghề đèn lồng ở Hội An. Từ những chiếc đèn lồng còn thô sơ, truyền thống cho đến bây giờ là đèn lồng đủ mọi kiểu dáng, kích cỡ như đèn lồng vải, đèn lồng mây tre đan, đèn lồng dùng trong trang trí... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Thậm chí đã có các lễ hội đèn lồng nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng này của Hội An đến các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Ba, phải thẳng thắn nhìn nhận hiện nay ngoài đèn lồng, Hội An chưa phát triển được các sản phẩm lưu niệm từ thế mạnh làng nghề. Để khắc phục tình trạng nghèo nàn về mẫu mã và kém về chất lượng sản phẩm, mô hình OCOP được lan tỏa từ Nhật Bản sang các nước châu Á cũng đã và đang được Quảng Nam thực hiện nhằm đẩy mạnh chất lượng sản phẩm làng nghề, đóng góp cho thị trường quà lưu niệm du lịch, thành lập chuỗi cửa hàng mua sắm tại địa phương. Những chuyển động bước đầu trên thị trường quà lưu niệm du lịch với sự thành công của OCOP sẽ nâng cao chất lượng và tăng doanh thu cho ngành công nghiệp không khói trong thời gian tới.