Giảm nghèo ở Hiệp Đức
Huyện Hiệp Đức đang tập trung triển khai những giải pháp giảm nghèo một cách bền vững, thực chất, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số như trồng rừng gỗ lớn, tận dụng các nguồn đầu tư, hỗ trợ một cách hiệu quả.
Đổi mới cách làm
Năm 2018, Quảng Nam thay đổi cách thực hiện giảm nghèo theo hướng phải gắn với hộ nghèo cụ thể, giao chỉ tiêu theo số hộ chứ không theo tỷ lệ. Thực hiện phương hướng trên, huyện Hiệp Đức đang xây dựng lộ trình giảm nghèo cụ thể; trong đó đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cải thiện sinh kế cho người dân. Đặc biệt những năm qua, nhân dân xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Có kinh nghiệm trồng rừng sản xuất gần 20 năm nhưng từ khi huyện triển khai trồng rừng gỗ lớn, đến nay ông Tào Quý Quyền, ở thôn 3, xã Hiệp Thuận mới tự tin và mở rộng diện tích trồng keo tại các khu đồi của gia đình. Trên diện tích hơn 3ha trồng rừng gỗ lớn mang lại cho ông nguồn thu nhập cao hơn so với việc trồng rừng gỗ nhỏ trước đây. Ông Quyền cho hay: “Trồng rừng gỗ lớn thời gian kéo dài, sự tăng trưởng của cây phát triển cao lên. Thí dụ mình trồng gỗ nhỏ thì hai chu kỳ còn trồng gỗ lớn chỉ một chu kỳ nhưng lợi nhuận cao hơn, do mình lợi được công cán cũng như giống cây trồng. Không mất thời gian phát dọn hoặc làm cỏ, giống thì được hỗ trợ loại giống tốt hơn”.
Tuy mới thành lập nhưng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiệp Thuận là địa chỉ tin cậy của nông dân trồng rừng gỗ lớn. Bởi HTX đang thu mua sản phẩm từ rừng cây gỗ lớn của bà con. Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Anh Hồ Văn Xoa, ở xã Phước Gia được nhận vào làm việc tại HTX, chia sẻ: “Khi xuống HTX làm, tôi có thể ở lại hoặc về nhà bằng xe máy nên rất thuận lợi. Lương ở đây cũng đảm bảo, bình quân mỗi tháng khoảng 7 đến 8 triệu đồng nên đảm bảo trang trải cho cuộc sống”.
Hiệu quả
Từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn từ Chương trình 135 đầu tư trên địa bàn 3 xã Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia gần 18 tỷ đồng; hơn 20 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 12 HĐND tỉnh và các chính sách định canh, định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Do đó, bình quân hằng năm ở vùng đồng bào DTTS giảm nghèo hơn 3%/ năm.
Tại xã Sông Trà, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, hộ nghèo chủ yếu là hộ đồng bào Ca Dong, Mơ Noong. Để giúp người nghèo “an cư, lạc nghiệp”, thoát nghèo bền vững, địa phương tập trung sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết 12 HĐND tỉnh để bà con yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Cuối năm 2018, 31 hộ đồng bào Ca Dong ở thôn Trà Va, xã Sông Trà được hỗ trợ số tiền 55 triệu đồng để làm nhà mới. Anh Hồ Văn Cường, ở thôn Trà Va, xã Sông Trà được hỗ trợ xây dựng nhà mới. Khi hoàn thành ngôi nhà của mình, hai vợ chồng có thêm nguồn thu nhập khoảng 8 triệu đồng từ việc cạo mủ cao su cho công ty nên cuộc sống của gia đình anh ổn định hơn. Anh Cường chia sẻ: “Nơi ở cũ đường sá rất khó đi, lầy lội, về nơi ở mới mặt bằng sạch sẽ, đường sá rộng rãi. Được Nhà nước hỗ trợ 55 triệu đồng và bố trí đất ở 240 mét vuông nên tôi có nhà mới như hôm nay”.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt và công trình nước sạch, khi về nơi ở mới, bà con được cấp thêm đất sản xuất, tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. “Riêng trên lĩnh vực giảm nghèo, huyện đang tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tập trung đầu tư bằng mọi nguồn lực, kết hợp các chương trình, các dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng cụm công nghiệp chế biến nhằm thu hút lực lượng lao động, tạo việc làm ổn định cho người dân, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo” - ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết.