Thay rổ nhựa bằng rổ tre

GIANG BIÊN 12/09/2019 11:06

Thay thế những rổ nhựa sinh hoạt trong gia đình bằng rổ tre, đó chính là cách làm của chị Nguyễn Thị Tâm (tổ 9 thôn Bình Xá, xã Bình Quế, Thăng Bình). Hiện chị Tâm trực tiếp đan rổ bằng chính nguồn nguyên liệu là những cây tre có sẵn tại địa phương. Điều này không chỉ giúp chị Tâm có thu nhập, mà hướng người nội trợ loại bỏ thói quen dùng đồ nhựa trong sinh hoạt theo đúng với phong trào “Chống rác thải nhựa” do cấp trên phát động.

Sản phẩm rổ tre của chị Nguyễn Thị Tâm. Ảnh: GIANG BIÊN
Sản phẩm rổ tre của chị Nguyễn Thị Tâm. Ảnh: GIANG BIÊN

Đầu tháng 7.2019, Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn xã Bình Quế triển khai chuyên đề truyền thông về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bạo lực gia đình và xâm hại tình dục. Trong đó, Trung ương Hội nhấn mạnh về vai trò của hội viên phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng chất thải nhựa. Sau khóa tập huấn 2 ngày, chị Nguyễn Thị Tâm đã vận động thành viên trong gia đình loại bỏ dần thói quen dùng đồ nhựa trong sinh hoạt. Lúc này chị Tâm nhận thấy những chiếc rổ nhựa thường dùng trong gia đình qua thời gian sử dụng bị giòn nát và hư hỏng nhanh. Chị Tâm bàn với chồng thay thế rổ nhựa bằng rổ tre. Nguồn nguyên liệu là tre rất đơn giản và dễ tìm vì có sẵn tại địa phương. Sau khi đốn tre vót nan, chồng chị hướng dẫn đan thành những miếng mành vừa kích cỡ, sau đó uốn miệng vành và cho ra đời chiếc rổ tre xinh xắn. Chị Tâm cho biết, những chiếc rổ tre đầu tiên chị dùng thay thế những chiếc rổ nhựa trong gia đình, sau đó đan bán cho các gia đình tại địa phương. Tuy nhiên để đan được chiếc rổ tre đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, do đó hiện nay mỗi ngày vợ chồng chị Tâm chỉ đan được 8 chiếc rổ, mỗi chiếc bán với giá 35.000 đồng. Chị Tâm cho biết thêm, những chiếc rổ bằng nhựa sử dụng lâu ngày sẽ bị bong tróc; còn rổ tre có thời gian sử dụng kéo dài 3 - 5 năm. Vợ chồng chị Tâm còn tính đến chuyện đan sọt rác bằng tre bán cho các hộ sử dụng.

Ngay khi sản phẩm rổ tre của chị Nguyễn Thị Tâm ra mắt đã được đông đảo chị em hội viên phụ nữ thôn Bình Xá tiếp nhận. Riêng Hội LHPN huyện Thăng Bình  đặt đơn hàng cho chị Tâm đan 100 chiếc rổ để phát cho Hội LHPN 23 xã, thị trấn và phụ nữ công an. Bà Nguyễn Thị Pho - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình cho hay, thời gian qua Hội LHPN huyện phát động trong toàn thể hội viên phụ nữ  thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Sản phẩm rổ tre thay thế rổ nhựa của chị Nguyễn Thị Tâm là một  trong những phương án hoàn hảo. Bởi hiện nay phần lớn chị em vẫn có thói quen dùng rổ nhựa đựng thức ăn. “Trước tiên, chúng tôi vận động trong cán bộ chi tổ hội sử dụng sản phẩm của chị Tâm, sau đó phát động ra toàn huyện. Điều chúng tôi tâm đắc nhất khi sử dụng sản phẩm rổ tre, đó là an toàn, phù hợp với xu hướng thay thế sản phẩm nhựa hiện nay. Việc vận động chị em hưởng ứng sản phẩm rổ tre của chị Tâm không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm, mà còn vực dậy làng nghề đan lát có từ lâu đời tại xã Bình Quế. Và điều lớn hơn mà chúng tôi mong muốn là hạn chế chất thải nhựa ra môi trường” - bà Pho nói.

GIANG BIÊN