Chuyên gia bảo tồn biển Lê Xuân Ái: Cù Lao Chàm cần có quy hoạch tổng thể
Trong quá trình nhận lời và làm cố vấn chương trình thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Cù Lao Chàm”, chuyên gia bảo tồn biển Lê Xuân Ái thấy rằng nơi này cần có một quy hoạch tổng thể về bảo tồn không chỉ dưới biển như lâu nay mà cả trên bờ, trên rừng…
* Nhưng trước khi nói về bảo tồn, chúng ta cần phải quyết liệt bảo vệ Cù Lao Chàm trước những dòm ngó đầy lợi ích riêng?
Ông Lê Xuân Ái: Đúng vậy, với những giá trị được gầy dựng, Cù Lao Chàm giờ như là biểu tượng của thương hiệu du lịch biển không chỉ riêng Quảng Nam mà của cả miền Trung, của cả nước. Thương hiệu này đang mang lại giá trị lớn cho du lịch Cù Lao Chàm, chính vì vậy mà không ít cá nhân, tổ chức đang dòm ngó và tìm mọi cách để được đầu tư, xây dựng ở Cù Lao Chàm. Thật ra, đó là điều không thể thiếu trong xu thế tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, cần phải xem sự đầu tư đó như thế nào. Nếu nó phá vỡ cảnh quan chung, làm rệu rã tinh thần du lịch cộng đồng mà Cù Lao Chàm đã cất công xây dựng bao lâu nay, thì chúng ta nên dũng cảm lắc đầu.
* Tôi nhớ không lầm, là khi còn làm Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông không chỉ là người từ chối, mà còn là người mạnh mẽ đấu tranh để không làm dự án mở đường qua vườn quốc gia này?
Ông Lê Xuân Ái: Sở dĩ tôi làm điều đó, vì nhận ra rằng dự án mở đường qua vườn quốc gia sẽ phá đi sự bền vững của tổng thể hệ sinh thái đã được xây dựng mấy chục năm qua. Mà phá đi sự bền vững đó, là coi như tự đánh mất đi tiềm năng của chính Côn Đảo. Với thiên nhiên và công việc bảo tồn ở đây thì giải pháp phát triển sinh thái rừng và biển là có tính khả thi, bền vững hơn cả. Và nó sẽ là lựa chọn khôn ngoan nhất cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có một số người lợi dụng danh nghĩa làm “du lịch sinh thái” để làm điều ngược lại với tiêu chí dựa vào thiên nhiên. Nếu rừng mất cây, biển mất san hô, mất rùa biển,… thì có còn gọi là du lịch sinh thái nữa không?
Mấy năm gắn bó với Cù Lao Chàm, tôi đã không ít lần chứng kiến những sự “dòm ngó” như vậy. May mắn là chúng ta đã kịp thời lên tiếng, cùng đấu tranh để những điều tồi tệ đó không xảy ra. Và đến lúc này, về cơ bản tổng thể, Cù Lao Chàm vẫn đang làm tốt công tác bảo tồn, dù có vẻ đang dần trở nên mỏng manh hơn trước những hấp lực kim tiền mà nếu chúng ta không tỉnh táo nhận ra, thì những thứ xây dựng bao năm qua sẽ là đống đổ nát.
Chẳng hạn thời gian qua, khi chúng ta thực hiện chương trình “Nghiên cứu, bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Cù Lao Chàm”, được hơn½ chặng đường, thì có thông tin qua báo chí việc TP.Đà Nẵng xây dựng kế hoạch vận chuyển khách du lịch bằng tàu biển đi thẳng từ sông Hàn đến Cù Lao Chàm. Dù khi ấy chưa biết họ sẽ khai thác du lịch chỗ nào của đảo, nhưng nếu ở khu vực Bãi Bấc là không thể được. Vì đây là nơi được quy hoạch thành khu vực bảo tồn hệ sinh thái biển, trong đó có rùa biển, cỏ biển và cả san hô. May thay, chúng ta đã kịp thời lên tiếng.
* Ông vừa nhắc đến rùa biển và câu chuyện bảo tồn. Mặc dù đó là câu chuyện không còn mới nữa, nhưng có vẻ như chưa nhiều người hiểu rõ bản chất và mối quan hệ mật thiết giữa bảo tồn rùa biển và hệ sinh thái biển, thưa ông?
Ông Lê Xuân Ái: Đúng vậy, trên thế giới, người ta bảo tồn rùa biển mấy chục năm nay rồi, và ở nước ta cũng vậy. Có một câu hỏi cắc cớ thế này: “Tại sao chúng ta không bảo tồn con gì khác, mà phải là bảo tồn rùa biển, nếu đặt trong bối cảnh chung là bảo tồn biển?”. Cho đến nay, rùa biển vẫn còn muôn vàn bí ẩn. Loài này xuất hiện cách đây khoảng 200 triệu năm, tức là có trước khủng long. Nhưng 100 triệu năm sau đó, khi khủng long bị tuyệt chủng, thì rùa biển vẫn còn sống cho đến bây giờ mà không hề có sự biến đổi.
Trong quá trình đi tìm những bí ẩn của loài rùa, các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu phát hiện rằng mặc dù rùa biển sống dưới nước là chủ yếu, nhưng nó cần cả không gian trên cạn - là các bãi biển, trong chuỗi các giai đoạn của vòng đời. Rùa biển cần phải đẻ ở bãi cát, nếu đẻ ở dưới nước trứng sẽ hư và không nở thành con được. Nhưng có bãi cát không là chưa đủ, bởi rùa mẹ khi lên bờ đẻ rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng, nên những chỗ này cần phải yên tĩnh và không dập dìu ánh sáng nhân tạo. Nói vậy để thấy rằng, Cù Lao Chàm đang làm bảo tồn về rùa biển, thì cần phải dành không gian tốt nhất cho rùa biển.
Giải thích hơi dài dòng, nhưng nên nhớ rằng, các nhà khoa học, các chuyên gia đã khẳng định rằng, nếu bảo vệ, bảo tồn được rùa biển, thì sẽ bảo vệ, bảo tồn được toàn bộ hệ sinh thái biển.
* Vậy, thưa ông Cù Lao Chàm cần phải làm gì để bảo tồn được rùa biển, bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái biển?
Ông Lê Xuân Ái: Hiện chúng ta đang lấy Bãi Bấc để thiết lập thành bãi đẻ của rùa. Nhưng như trên đã nói là rùa biển “không thích” sự ồn ào, nên bằng mọi cách phải không cho hoặc hạn chế tối đa ca nô hay tàu thuyền qua lại khu vực biển này; tương tự, trên bãi biển cũng hạn chế du khách và người dân đến đây, bởi thời gian gần đây, có dấu hiệu rùa biển xuất hiện và sinh sản ở Cù Lao Chàm trở lại, nên chúng ta cần phải có ngay nơi “an toàn” cho rùa sinh đẻ.
Cũng ở Bãi Bấc, chúng ta nên “nói không” với các dự án xây dựng can thiệp thô bạo. Nên biết rằng ở hòn Bảy Cạnh của Vườn Quốc gia Côn Đảo, mấy chục năm nay không làm cầu cảng mà phải dừng ca nô để lội bộ từ xa vào nếu nước cạn. Không làm cầu cảng không phải là không làm được vì vấn đề kỹ thuật hay kinh phí này nọ, mà đơn giản, nếu làm cầu cảng sẽ phá vỡ cấu trúc cảnh quan, hệ sinh thái biển ở hòn Bảy Cạnh đang được bảo tồn.
Nhắc mới nhớ, cách đây một hai năm gì đó, cũng có doanh nghiệp xin xây dựng cảng hay cho ca nô cập vào Bãi Bấc khi đưa khách ra đảo. Lúc này tôi cùng với các anh em khu bảo tồn biển vừa chuyển vị trứng rùa từ Côn Đảo về chôn ấp ở Bãi Bấc. Tôi đùa rằng, nếu thành phố cho doanh nghiệp đó làm vậy, thì anh em ra đào trứng rùa lên… luộc ăn trất, chứ bảo tồn gì được nữa. May mà ở cuộc họp sau đó, lãnh đạo thành phố đã từ chối với kế hoạch của doanh nghiệp đó.
* Coi như là tạm ổn ở Bãi Bấc đi. Nhưng Cù Lao Chàm cần phải làm nhiều hơn thế nữa nếu muốn duy trì được thế phát triển bền vững đang có, và ít ra, là để cho Cù Lao Chàm bớt… mong manh hơn, thưa ông?
Ông Lê Xuân Ái: Có một thực tế mà hồi mới về làm bảo tồn ở đây, tôi nhận ra rằng Cù Lao Chàm chủ yếu là đẩy mạnh bảo tồn biển mà gần như chưa dành sự chú trọng tương tự đối với rừng. Chúng ta thừa biết cả rừng và biển luôn có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau. Nên chúng ta làm bảo tồn biển ở đảo mà tách rừng riêng, biển riêng thì không… đúng bài.
Nên trong quá trình làm cố vấn chương trình bảo tồn rùa biển, tôi cũng đã phác thảo rồi xây dựng bản quy hoạch bảo tồn toàn diện cho Cù Lao Chàm từ trên rừng xuống biển. Nó không chỉ liên kết bảo tồn rừng và biển, mà còn tăng cường tính pháp lý, phân khu, vùng lõi, vùng đệm, vùng bảo vệ nghiêm ngặt,… Thẳng thắn mà nói, bản quy hoạch này được tôi dựa trên bản quy hoạch mà mình đã làm và áp dụng thành công cho Vườn Quốc gia Côn Đảo trước đó, tất nhiên là có sự biến cải cho phù hợp với thực tiễn của Cù Lao Chàm. Và hy vọng rằng bản quy hoạch này sẽ sớm được thông qua và áp dụng thực tiễn tại Cù Lao Chàm.
Xin cảm ơn ông!