"Ong thợ" của quê nhà
Những ngày Hội An, Mỹ Sơn đang tất bật chuẩn bị kỷ niệm tròn 20 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới thì người thợ trùng tu vẫn miệt mài lặng lẽ với công việc của mình bên các di tích rêu phong, trầm mặc.
Tôi gặp ông Đỗ Cường (quê Cẩm Kim, Hội An) khi ông đang nghỉ tay ăn vội ổ bánh mì nửa buổi sáng ở Văn chỉ Minh Hương (TP.Hội An). Xuề xòa trong bộ quần áo lao động lấm lem vôi bụi, ông Cường mở lời về công việc và về niềm vui của những tháng năm gắn bó với công tác trùng tu. Ông Cường là truyền nhân đời thứ 5 của dòng họ Đỗ vốn nổi tiếng khéo léo về đắp vẽ và chạm trổ. Từ khi là một cậu bé, ông Cường đã lân la theo ông nội mình là Đỗ Chương mày mò, khám phá hầu khắp các công trình, di tích đền chùa để rồi niềm say mê với nghề bỗng “vận” vào mình lúc nào không hay.
Bao nhiêu năm Hội An, Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới cũng là chừng đó thời gian ông cùng những đồng nghiệp của mình được tín nhiệm giao phó để rong ruổi nắng mưa để bảo tồn cho các di tích khắp xứ Quảng. “Mình cũng không nhớ là đã tham gia cùng với anh em trùng tu bao nhiêu di tích nữa. Chỉ biết là ngoài công việc mưu sinh thì đó còn là niềm vui, say mê khi ngày ngày được tu bổ, phục hồi các di tích của tiền nhân để lại” - ông Cường bộc bạch.
Công việc trùng tu di tích đặc biệt là các di tích gắn với di sản thế giới là công việc không hề dễ dàng, những người thợ này phải tỉ mẫn từng chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo tính chân xác, nguyên trạng của di tích. Chỉ tay về phía cổng di tích văn chỉ Minh Hương mà mình và nhóm thợ đang trùng tu, ông Cường chia sẻ: “Việc lấy mẫu, đắp cốt hay bây giờ gọi là dựng mô hình thì mình phải chủ đạo làm vì anh em thợ làm chung phần lớn còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Mấy hôm nay thời tiết cũng khá ổn nên việc thi công được suôn sẻ”.
Theo ông Cường, với kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp của mình, các công trình di tích đã qua bàn tay trùng tu của ông và đồng nghiệp đều giữ được tính chân xác từ 97% trở lên. Công trình trùng tu Cổng chùa Bà Mụ cũng là di tích ông Cường để lại dấu ấn với nguyên liệu sử dụng phục hồi hoàn toàn từ vôi giấy, vôi than truyền thống.
Mùa mưa hoặc thời tiết thất thường chính là trở ngại lớn đối với những người gắn với nghề trùng tu như ông Cường. “Có những chiều mình đã tô màu gần như hoàn chỉnh cho hạng mục nhưng mưa lớn bất ngờ một cái là trôi nhòe màu đi hết. Sáng hôm sau ra anh em phải hối hả làm từ sớm để hoàn thiện lại trước khi bộ phận giám sát đến” - ông Cường nói. Từ nhà cổ trong phố ra miếu, đình, chùa vùng ngoại ô Hội An hay cả Khổng Miếu (Tam Kỳ), từng viên ngói, nét vẽ ngoài nếp phong sương của thời gian còn in hằn dấu tay tài hoa của ông Cường cùng tốp thợ sinh ra từ làng Kim Bồng.