Nghề... trục lợi
Tôi vừa nhận được cuộc điện thoại của người quen, tâm sự mà như trách rằng “dạo này kiểm ngư làm ráo riết, ở nhà hết trơn. Trên bờ vi phạm đủ thứ chuyện, không lo đi bắt, cứ nhè ngoài biển mà siết chặt”.
Đó là chuyện lực lượng chức năng gần đây thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra trên biển, xử lý các phương tiện khai thác hải sản vi phạm ngư trường, mà chủ yếu là các tàu làm nghề giã cào, mành mùng khai thác vùng bờ. Nghề này, lâu nay Nhà nước quản lý theo kiểu “du di”: chủ yếu là không cho đăng ký mới và không khai thác ở ngư trường cạn để hạn chế nguy cơ tận diệt nguồn lợi; áp dụng nhiều chính sách nhằm dần hạn chế phương tiện và khuyến khích ngư dân chuyển nghề. Những chiếc giã cào hay mành mùng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thường xuyên vi phạm ngư trường, nhưng việc kiểm soát, xử lý thì “vừa tay” bởi cũng khó cho ngư dân, đó là sinh kế lâu đời của họ, không dễ thay đổi. Nhưng cũng theo đợt, như người quen của tôi đã gọi điện, lực lượng kiểm ngư gần đây thường xuyên ra quân tuần tra, mỗi đợt cũng bắt được “vài em”, xử phạt chủ yếu để răn đe.
Tình hình quản lý ngư trường kể trên với ngư dân và cả lực lượng quản lý nhà nước, xem ra đã có sự “thấu hiểu”, không ai muốn làm quá để đẩy câu chuyện theo hướng khó xử. Nếu lực lượng chức năng triển khai đợt kiểm tra kiểm soát thì cùng lắm lại thêm những lời phàn nàn như kiểu cuộc gọi mà tôi nhận được từ người quen là ngư dân, rồi đâu lại vào đấy. Còn ngư dân làm các nghề truyền thống ở nhiều địa phương cũng biết “lo” lắm, họ cũng hình dung hậu quả của việc cạn kiệt nguồn lợi nên cực chẳng đã mới vi phạm ngư trường, nhiều chủ phương tiện thậm chí còn vận động nhau cùng gìn giữ, khai thác bền vững nguồn lợi...
Nhưng không bình yên như chuyện vừa nói, gần đây ở các vùng bãi ngang ven biển, nổi lên một nghề mà theo cách gọi của ngư dân là nghề... nhắn tin. Tức là nhiều ngư dân đầu tư phương tiện với công suất máy lớn, đăng ký sản xuất ở ngư trường xa bờ để hưởng chính sách trợ cấp giá dầu, nhưng thực chất họ sản xuất gần bờ. Vì vậy, đến hẹn lại lên, họ lại đưa phương tiện ra ngư trường xa bờ, không sản xuất mà chủ yếu là nhắn tin tọa độ về trạm bờ để hợp thức hóa hồ sơ nhận trợ cấp giá dầu. Kiểu làm ăn gian dối này tạo ra tâm lý tiêu cực trong cộng đồng ngư dân. Nhiều người đang so bì vì các phương tiện to rảnh rỗi thì đi nhắn tin để nhận tiền của Nhà nước, vào mùa khai thác thì càn quét ngư trường gần bờ khiến nguồn lợi cạn kiệt. Thậm chí nhiều chủ phương tiện còn lơ là chuyện sản xuất, sắm tàu ra chủ yếu là để làm nghề... nhắn tin.
Tình trạng trên đã cho thấy một diện mạo khác của vấn đề lợi dụng chính sách. Đó là kiểu trục lợi có sự đầu tư, tính toán bài bản chứ không chỉ là hệ lụy trông chờ ỷ lại, “đánh trống ghi tên” như người dân miền núi trong thực hiện chính sách giảm nghèo...
Sắm phương tiện to để trục lợi chính sách thì không thể trông chờ vào tinh thần đương đầu với “sóng gió” biển khơi.