“Phi hành gia” ở Tiểu đoàn 78
Vào mỗi chiều thứ Sáu, lính trẻ ở Tiểu đoàn Phòng hóa 78 (Bộ Tham mưu, Quân khu V) lại khoác lên mình bộ “đồ bay” để thỏa sức luyện rèn khí tài.
Bộ đội phòng hóa là lực lượng nòng cốt, xung kích trong xử lý, khắc phục hậu quả vũ khí hóa học, chất độc, phóng xạ sau chiến tranh, làm hồi sinh những vùng “đất chết”, đồng thời, tham gia xử lý, khắc phục có hiệu quả các sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bộ đội phòng hóa thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, nguy hiểm và nguy cơ xảy ra mất an toàn cao. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, ngoài các khí tài ứng dụng, các anh còn được trang bị những khí tài chuyên dụng đặc biệt. “Đồ bay” của bộ đội phòng hóa thực chất là những bộ quần áo chuyên dụng giúp họ thực hiện nhiệm vụ trong khu vực nhiễm phóng xạ, hóa chất, khí độc được an toàn.
Đúng 14 giờ chiều thứ Sáu, tuần đầu tiên của tháng 8, sau khi phổ biến kế hoạch và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ quân y, trực ban, trực nhật, Đại úy Nguyễn Văn Hồng - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 78 đưa mắt quan sát toàn thể đội hình rồi thổi còi, hô dứt khoát “Mặc khí tài!”. Các cán bộ, chiến sĩ Đại đội Trinh sát 1 và Đại đội Tiêu tẩy 2 nhanh chóng cởi bỏ vũ khí, trang bị xếp gọn dưới đất theo đúng thứ tự, mở bao xe lấy ra những bộ khí tài phòng da L1 và OZK khoác lên người. Mặc xong “đồ bay”, bộ đội lại lần lượt mang bao xe, xẻng cuốc, vũ khí vào. Đại úy Nguyễn Văn Hồng tiếp tục chỉ huy đơn vị chạy tại chỗ để kiểm tra, chỉnh sửa lần cuối việc mang đeo trang bị, rồi bắt đầu cho đội hình cơ động.
Các chiến sĩ súng vác trên vai thoăn thoắt sải chân, cố gắng giữ đội hình, không có ai rớt lại phía sau hay gặp sự cố phải nhờ lực lượng cứu hộ giúp đỡ. Các tình huống giả định phi pháo địch bắn vào cuối đội hình, có người bị thương hay đánh rơi vũ khí trang bị trong quá trình cơ động do Phó Tiểu đoàn trưởng đưa ra đều được bộ đội xử lý nhanh gọn, chính xác, hiệu quả. Binh nhất Bloong Đông - chiến sĩ Đại đội Tiêu tẩy, cho biết: “Rèn luyện khí tài hằng tuần luôn là thử thách khó khăn đối với chúng tôi. Do tính chất, yêu cầu nhiệm vụ nên khí tài của lực lượng trinh sát và lực lượng tiêu tẩy được thiết kế khác nhau, nhưng cả hai đều rất kín, nặng. Thời tiết nắng nóng, lớp cao su bị hấp nhiệt nên mặc vào rất khó chịu”. Binh nhất Lê Văn Hoàng Phúc tiếp lời: “Sử dụng mặt nạ phòng độc nếu không biết cách điều hòa, phân phối nhịp thở sẽ rất nhanh xuống sức, thậm chí bị ngất vì sốc nhiệt. Từ vùng độc bước ra, tất cả quần áo, vũ khí trang bị đều bị nhiễm, nếu để chúng tiếp xúc với cơ thể sẽ gây nguy hiểm. Do đó dù có mệt đến đâu bộ đội cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, không bao giờ dám làm tắt, làm ẩu”.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Hồng, với phương châm “Phòng chống giỏi, chiến đấu tốt”, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn luôn tập trung giáo dục, rèn luyện nâng cao trình độ, bản lĩnh, ý chí và thể lực để bộ đội có đủ khả năng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đang mùa đông mà khoác “đồ bay” lên người đã nóng vã mồ hôi chứ chưa nói là giữa mùa hè. Nếu không chịu khó rèn luyện, bộ đội rất khó hoàn thành bài chạy 3.000m đầy cam go này. Nhờ tích cực rèn luyện, bộ đội đều biết sử dụng thuần thục, hiệu quả các loại vũ khí, trang bị, khí tài có trong biên chế, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cuối tháng 6 vừa qua, đơn vị tham gia xử lý an toàn hơn 20 nghìn quả đạn nhiễm chất độc CS tại Trường bắn, thao trường huấn luyện bắc Quân khu.