Nam Phước “khoác” áo mới

HOÀI NHI 11/09/2019 10:52

Sau 25 năm thành lập và phát triển, đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Diện mạo thị trấn Nam Phước ngày càng khang trang. Ảnh: H.N
Diện mạo thị trấn Nam Phước ngày càng khang trang. Ảnh: H.N

Một thời gian khó

Ngày 29.8.1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/NĐ-CP về việc giải thể thị trấn Duy Xuyên, thành lập thị trấn Nam Phước. Ngày 6.9.1994, huyện Duy Xuyên nhập thôn Trung Đông về xã Duy Trung và sáp nhập các thôn Xuyên Tây, Châu Hiệp của thị trấn Duy Xuyên vào xã Duy An cũ để thành lập thị trấn Nam Phước. 

Theo ông Nguyễn Thế Đức - Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Phước, ngày đó do tác động của tình hình khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là ngành dệt lâm vào tình cảnh điêu đứng bởi nguyên liệu đầu vào khan hiếm, thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản phẩm làm ra không bán được. Vì vậy, một số hộ dân của địa phương phải rời quê hương vào TP.Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh phía Nam sinh sống, làm ăn.

Kinh tế khó khăn nên các hợp tác xã lần lượt bị giải thể. Thu ngân sách lúc bấy giờ khoảng 500 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 32%. Ngoài ra, cơ sở vật chất như trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Đặc biệt, với địa bàn rộng, dân số đông nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp... “Xác định những khó khăn này nên tại Đại hội Đảng bộ thị trấn Nam Phước lần thứ IX (nhiệm kỳ 1994 - 1996) đã đề ra phương hướng chung là phát huy thành tích đạt được, nhanh chóng ổn định tư tưởng và tổ chức trong cán bộ đảng viên, nhân dân, tập trung khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, từng bước đi lên sản xuất hàng hóa theo cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” - ông Đức nói.

Vững bước đi lên

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của địa phương và kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan..., thị trấn Nam Phước đã đầu tư xây dựng, sửa chữa 789 nhà tình nghĩa cho các gia đình thuộc diện chính sách và hơn 130 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng số tiền gần 24 tỷ đồng.

Thị trấn Nam Phước hiện có 10 khối phố, 6.460 hộ dân với 22.560 nhân khẩu, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào thương mại - dịch vụ và công nghiệp. Hiện nay, nhiều ngành nghề phát triển mạnh như cơ khí, xây dựng, mây tre xuất khẩu, may mặc, chế biến thủy sản... giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng năm 2018 đạt 724,9 tỷ đồng, tăng 13,76% so với năm 2017. Một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế của thị trấn Nam Phước là hoạt động thương mại - dịch vụ. Nổi bật là khu chợ mới khang trang, hiện đại - một công trình trong tổng thể dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu đô thị và phố chợ Nam Phước. Ngoài ra, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng tập trung đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, cung ứng đa dạng các mặt hàng, chất lượng đảm bảo, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân, góp phần đưa giá trị ngành thương mại - dịch vụ năm 2018 đạt hơn 1.022 tỷ đồng, tăng 24,12% so với năm 2017…

Ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, những năm qua tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đều tăng, riêng năm 2018 đạt 100 tỷ đồng, gấp 200 lần so với năm 1994, trong đó thu phát sinh kinh tế trên địa bàn tăng bình quân hơn 18%/năm. “Qua khảo sát cho thấy, đến nay toàn thị trấn còn hơn 100 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,98%, giảm 30% so với năm 1994; năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với năm 2017” - ông Thanh nói.

Trên cơ sở định hướng phát triển đô thị, cùng với sự hỗ trợ của huyện, tỉnh và phát huy tối đa nội lực của nhân dân, những năm qua địa phương tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là nâng cấp, mở rộng hệ thống công trình giao thông có chiều rộng phần xe chạy từ 7,5m trở lên. Đến năm 2019, toàn thị trấn có khoảng 30 tuyến đường được đặt tên, hơn 90% hệ thống giao thông được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ban đêm. Ngoài ra, thị trấn Nam Phước sớm lập quy hoạch chung đô thị và được cấp thẩm quyền phê duyệt, đã triển khai thực hiện các dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường Văn Thị Thừa, 3 tháng 2, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Chí Cương. Đồng thời mở rộng tuyến đường từ Huyện ủy Duy Xuyên đến giếng Năm Lai có làn xe chạy từ 3,5m lên trên 7,5m. Cùng với đó, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa khối phố... cũng được chính quyền thị trấn Nam Phước xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống nhân dân.

HOÀI NHI