Chín chữ cù lao
Nhân mùa Vu Lan vừa rồi, có một ngôi chùa miền Trung treo bức đại tự: “Công cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông/ Núi cao biển rộng mênh mông/ Cù lao chín chữ ghi lòng ai ơi”. Vậy cù lao trong câu ca dao nghĩa là gì, có liên quan gì đến cách gọi các hòn đảo ngoài biển hay không?
1. Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, tả tâm tư Thúy Kiều phân vân giữa mối tình với Kim Trọng và quyết định hy sinh bán mình chuộc cha, truyện có câu “Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?” hay “Nhớ ơn chín chữ cao sâu/ Một ngày một ngã bóng dâu tà tà”. Chữ cù lao trong ca dao và Truyện Kiều có nghĩa khác hẳn so với danh từ cù lao, để chỉ các hòn đảo giữa sông, hay biển.
Tạp chí Kiến thức ngày nay số ra ngày 20.7.1995, tác giả An Chi giải thích, hai chữ Cù và Lao đồng nghĩa là nhọc nhằn, vất vả. Vì vậy chúng đi với nhau để tạo thành một từ ghép đẳng lặp nhằm diễn đạt một ý tổng quát hơn. Ông trích dẫn: “Kinh Thi có câu “Cù lao vu dã”, nghĩa là thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta”. Tầm nguyên tự điển của Bửu Kế nói về chữ này cũng trích Kinh Thi: “Ai ai phụ mẫu/ sinh ngã cù lao - thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc”. Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh (NXB Duy Tân năm 1949) chú giải: “Cù - Nhọc nhằn siêng năng/ Cù lao - siêng năng khó nhọc”. Với chữ lao, trong tự điển này giải thích: “Nhọc lòng, nhọc sức - Khó nhọc - Công khó nhọc”.
Tuy vậy trong câu ca dao trích dẫn trên, cù lao đến chín chữ (Cửu tự cù lao), là gồm những chữ nào? Trong Tầm nguyên tự điển giải thích chín chữ đó gồm: sinh (đẻ), cúc (nâng, đỡ), phủ (vuốt ve), xúc (cho bú), trưởng (làm cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (đoái tưởng đến), phục (săn sóc, dạy bảo), phúc (bảo vệ). Ngoài ra có một vài tự điển khác có cách giải thích khác đi một ít, ví dụ phục (quấn quýt), xúc (nuôi cho lớn)… Nhưng nhìn chung các sách đều cùng một cách giải thích chín chữ cù lao có nghĩa công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
2. Trong điển tích Phật giáo, Kinh Vu Lan báo hiếu có câu chuyện kể Tôn giả Mục Kiền Liên vượt qua trăm ngàn thử thách, gian khổ để đến địa ngục cứu mẹ. Ông hỏi: “Làm thế nào để cứu mẹ của con?”, Đức Phật nói: “Ngày âm lịch 15 tháng 7, sau ba tháng của các nhà sư tu tập phát tâm cúng dường tam bảo để lấy phước cứu mẹ”. Mục Kiền Liên theo lời Phật dạy tổ chức cúng dường chư tăng và từ đó mẹ của ngài được sanh về cõi lành. Lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên cao quý, từ đó mỗi năm vào rằm tháng 7, Phật giáo có đại lễ Vu Lan báo hiếu, ôn lại tích hiếu thảo của ông, nhằm nhắc nhở Phật tử luôn tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và bổn phận báo hiếu của người con.
Cổ nhân dạy, người làm con với cha mẹ phải có năm cử chỉ: “Phàm vi nhân tử giả, xuất tất cáo, phản tất diện, du tất hữu thường, tập tất hữu nghiệp, hằng ngôn bất xưng lão”. Nghĩa là: Phàm làm con thì phải đi thưa, về trình, đi chơi thì phải chơi chỗ thường ngày, phải học tập có nghề nghiệp, thường nói năng khiêm tốn, không được huênh hoang.
Trong sách Mạnh Tử dạy năm việc sau đây được xem là bất hiếu: “Nọa kỳ tứ chi, bất cố phụ mẫu chỉ dưỡng, nhất bất hiếu dã; Bác định, hiếu ẩm tửu, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, nhị bất hiếu dã; Hiếu hóa tài tư thê tử, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, tam bất hiếu dã; Tùng nhĩ mục chi dục, vi phụ mẫu lục, tứ bất hiếu dã; Hiếu dõng đấu ngân, dĩ nguy phụ mẫu, ngủ bất hiếu dã”. Nghĩa là: Lười biếng trễ nải, chẳng đoái hoài việc nuôi cha mẹ, là điều bất hiếu thứ nhất; Mê cờ bạc, ham rượu chè, chẳng lo việc phụng dưỡng cha mẹ, là điều bất hiếu thứ hai; Ham mê tiền của, gom góp cho vợ con mà chẳng lo việc nuôi cha mẹ, là điều bất hiếu thứ ba; Buông lung theo thị dục của tai mắt, làm cho cha mẹ phải khốn đốn vì mình, là điều bất hiếu thứ tư; Ỷ sức, cậy tài đua tranh đánh lộn, làm cho cha mẹ phải bị vạ lây, là điều bất hiếu thứ năm.
3. Từ “cù lao”, Từ điển Từ cổ của Vương Lộc (NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2002) còn cho biết, đó là cái quai trên đầu quả chuông. Trong Chỉ Nam Ngọc Ân có trích dẫn câu ca dao: “Bây giờ tính nghĩ làm sao/ Cho chuông ấm tiếng cù lao vững vàng”.
Và một từ “cù lao” khác là danh từ được hiểu theo nghĩa là phần đất hoặc là núi nổi lên giữa biển. Ví dụ như ở Quảng Nam có Cù Lao Chàm, Quảng Ngãi có Cù Lao Ré (nay gọi là đảo Lý Sơn)… Trong sách Phủ biên tạp lục, học giả Lê Quý Đôn có viết: “Phủ Thăng Hoa, ở ngoài cửa biển Đại Chiêm có núi to gọi là Cù Lao Chàm, ba ngọn đối nhau, hai ngọn lớn mà xanh tốt, có dân cư, ruộng nương; có các thứ cam, quýt, đỗ, lạc; trên có suối nước ngọt, một ngọn nhỏ mà khô khan, ra biển hai canh thì đến…”. Kế đó sách Đại Nam nhất thống chí, thời nhà Nguyễn chính thức định danh: “… cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưởng giữa biển gọi là đảo Ngoạ Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao; dân phường Tân Hợp ở phía Nam núi; ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền bè nước ta thường trông núi này làm chừng đi về đều đỗ ở đấy để lấy củi nước…”.
Cù Lao Chàm nay trên bản đồ hành chính thuộc TP.Hội An, với tên xã Tân Hiệp (có phải chuyển từ tên Tân Hợp trong Đại Nam nhất thống chí chăng?). Người dân ven biển Hội An, Duy Xuyên gọi gọn hòn đảo này là Lao. Dân gian vùng này có ca dao: “Ra Lao đốn Lụi thật Dài/ Chờ Mồ Khô Lá, xuống Tai chực Nờm (nồm)” ghi nhớ tên của 7 đảo nhỏ tại đây - Lao, Lụi, Dài, Mồ, Khô, Tai, Lá, trong đó Lao là hòn đảo lớn nhất, có dân cư sinh sống, còn các đảo khác tùy theo hình dáng hoặc thực vật, động vật đặc hữu trên đó mà đặt tên…