Từ ô nhiễm đến thảm họa
Vụ cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tin đi tin lại, rõ ràng rành mạch nhất vẫn là chuyện dân đã đóng cửa, rao bán nhà hoặc di tản.
Còn bao giờ mới trở lại thì tất nhiên, chưa thể có câu trả lời, khi mà hơn 10 ngày sau vụ cháy, thông tin đến thời điểm hiện tại chỉ là ước tính 15,2 - 27,2kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường. Còn độc hại tới đâu thì… chưa biết và vẫn chưa có phương án tiêu độc, thu gom xử lý các vật tư, hóa chất ở khu vực bị cháy. Nhìn lại toàn cảnh, thông tin loạn xạ cho thấy sự lúng túng, chậm trễ của chính quyền và sự không minh bạch của doanh nghiệp.
Vị trí khu vực xưởng của công ty này lọt thỏm giữa san sát chung cư, nhà dân, khiến tôi nhớ đến vụ việc của Nhà máy thép Việt Pháp (Công ty TNHH thép Việt Pháp, tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1, thị xã Điện Bàn) gần 3 năm trước. Ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn khiến dân không chịu nổi. Câu chuyện di dời nhà máy thép lên núi (khu vực thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) - theo dự kiến ban đầu đến cuối năm nay 2019, vẫn chưa có hồi kết. Đồng bằng, lên núi, rồi đi đâu nữa? Nhiều người lúc đó, đưa câu hỏi cắc cớ như vậy, như một cách đoán định điều không mong muốn ở thì tương lai.
Lâu nay, chúng ta nghe nói nhiều đến mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp. Mô hình này đã xuất hiện nhiều nơi và được coi như một xu thế trong tương lai. Ở đó có vệ tinh là văn phòng/nhà xưởng cho thuê, kho bãi và các dự án đầu tư mặt bằng phục vụ sản xuất công nghiệp... Ở đó phát triển bất động sản về đô thị - dịch vụ là khu dân cư và các tiện ích, dịch vụ đi kèm như bệnh viện, trường học, các trung tâm nghiên cứu…
Người ta cũng nói nhiều về tính hấp dẫn của mô hình này. Tựu trung đó, không gì khác hơn là câu chuyện quy hoạch và quản lý quy hoạch. Nhiều nhà máy, ban đầu khi khởi sự, đều ở những nơi xa khu vực dân cư. Nhưng dần dà, khu vực phụ cận trở thành khu dân cư sinh sống. Hoặc việc bố trí các cụm công nghiệp quá sát với khu dân cư, nhiều nơi chỉ cách có mỗi bức tường rào. Điều tất yếu xảy ra là mâu thuẫn giữa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cuộc sống người dân. Ban đầu, là dân tịnh tiến gần cụm công nghiệp để dễ bề buôn bán, làm ăn và cả sinh sống (đối với công nhân). Rồi sau chính điều đó lại trở thành khốn khổ với cuộc sống của họ. Chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi và rất nhiều thứ khác, khi bức bách hết xoay xở nổi thì dựng lều phản đối. Tiếp đó là lẩn quẩn câu chuyện di dời. Nếu quản lý quy hoạch tốt ngay từ đầu, thì sẽ không có hệ lụy mà thường là kéo nhiều năm sau cũng không giải quyết rốt ráo được, cho cả doanh nghiệp và an sinh xã hội của người dân.
Và, khi không dự lường được những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong hoạt động sản xuất của các nhà máy, thì từ ô nhiễm môi trường đến thảm họa môi trường chỉ là một khoảng cách rất ngắn. Rốt cuộc dân là người gánh hậu quả nặng nề nhất. Vụ cháy ở nhà máy bóng đèn chỉ là một ví dụ.