Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc nhóm cao châu Á
(QNO) - Việt Nam, một thị trường mới nổi ở Đông Nam Á đạt được tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, như thông qua số nữ giới làm chủ doanh nghiệp - theo tờ The ASEAN Post.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) năm 1982.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động tại Việt Nam hiện đạt 73%, một trong những mức cao nhất ở Đông Nam Á. Báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng cho hay, Việt Nam nằm trong top 25 quốc gia hàng đầu thế giới nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong lao động.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Theo nghiên cứu mới nhất về “Phụ nữ trong kinh doanh” của công ty cố vấn doanh nghiệp Grant Thornton có trụ sở tại Anh, tỷ lệ phụ nữ tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp tại khu vực châu Á thuộc nhóm khá cao trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á với tỷ lệ khoảng 36%, chỉ đứng sau Philippines với 37,46%.
Báo cáo năm 2017 của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam, cho thấy 57% doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu là doanh nghiệp siêu nhỏ, 42% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 1% là những doanh nghiệp lớn.
Chính phủ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó hơn 1/3 sẽ do phụ nữ làm chủ.
Những thách thức
Một phân tích năm 2019 của tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ) cho biết, nếu tỷ lệ phụ nữ và nam giới tham gia kinh doanh ngang bằng nhau, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể tăng khoảng 3 - 6%, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng 2.500 tỷ USD.
Thực tế, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường gặp 4 thách thức lớn, bao gồm nhân lực và vốn xã hội bị hạn chế, bất lợi về tiếp cận tài chính, kỳ vọng về mặt văn hóa và xã hội, ràng buộc thể chế. Ví như, 37% doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tiếp cận với các khoản vay ngân hàng trong 2 năm qua, so với 47% của các chủ doanh nghiệp nam.
Bà Amy Luinstra - quản lý chương trình và cố vấn giới của IFC khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết: “Để tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu cận thị trường và các khoản vay tài chính. Vẫn còn nhiều việc phải làm để kết nối những doanh nghiệp nhỏ và vừa của phụ nữ với các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu”.
Giải quyết các rào cản
Một hệ thống hỗ trợ là rất cần thiết để giúp các nữ doanh nhân Việt Nam thành công. Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) là một tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ và kinh doanh nhân ở Việt Nam để giải quyết các thách thức đặc thù về giới thông qua việc cố vấn và gây quỹ. Bên cạnh hỗ trợ, WISE cũng kết nối phụ nữ với các nguồn lực và cơ hội để đổi mới và phát triển.
Năm 2018, VPBank ra mắt gói cho vay dành riêng cho các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và kể từ đó đến nay giải ngân 12.000 khoản vay. Cạnh đó, ngân hàng thiết lập quyền tiếp cập miễn phí vào các dịch vụ phi tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo, qua đó cho phép họ chia sẻ kinh nghiệm và tìm cơ hội kết nối mới cho doanh nghiệp của mình.
Giảm bớt các rào cản tài chính có thể trao quyền cho phụ nữ, từ đó có thể động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bình đẳng giới và giảm nghèo.