Lò đốt rác tại chỗ ở Phước Hiệp (Phước Sơn)
(QNO) - Để giải quyết tình trạng rác thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường, UBND xã Phước Hiệp (Phước Sơn) đã xây dựng thí điểm 6 lò đốt rác tại chỗ. Qua đó từng bước kiểm soát nguồn rác thải tại địa phương, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nhà.
Phước Hiệp địa hình chủ yếu vùng núi, việc liên kết với đơn vị thu gom, xử lý rác thải rắn chưa được triển khai, chính vì thế nhiều nơi ở xã này còn tồn đọng rất nhiều rác thải - nhất là tại những khu vực bờ sông, rừng keo…
Ở những lô đất trồng keo dọc tuyến quốc lộ 14E (thôn 1 và thôn 4, xã Phước Hiệp), trước đây người dân vứt bỏ túi ni lông ra môi trường một cách vô tội vạ. Ngoài ra, nhiều hộ sống dọc bờ sông Trường còn vứt rác thải xuống bờ sông, khi mưa lớn sẽ cuốn trôi theo dòng nước.
Trước tình trạng trên, UBND xã Phước Hiệp đã đầu tư xây dựng thí điểm các lò đốt rác tại chỗ đặt tại những vị trí phù hợp trên địa bàn.
Ông Cao Xuân Cường - cán bộ địa chính, môi trường xã Phước Hiệp cho biết, cuối năm 2018, xã Phước Hiệp đã xây dựng thí điểm 6 lò đốt rác tại chỗ từ nguồn kinh phí của xã, mỗi lò đốt rác trị giá hơn 10 triệu đồng và được bố trí gần trường học, trạm y tế, UBND xã và một số nơi phù hợp. Những lò đốt rác này nhằm mục đích kiểm soát rác thải rắn tại địa phương, kết hợp với việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao cơ sở hạ tầng...
"Chúng tôi từng bước tuyên truyền người dân ý thức mang rác đến lò để đốt. Khi có lò đốt rác, người dân tự phân loại rác tại nhà, đối với rác thải hữu cơ thì tự phân hủy tại vườn, có thể trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây cối; còn với rác thải rắn người dân mang đến lò đốt rác để tiêu hủy. Càng ngày người dân càng nâng cao ý thức trong việc phân loại và mang rác thải rắn đến lò đốt rác tại chỗ" - ông Cường nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lò đốt rác trên địa bàn xã Phước Hiệp được xây dựng kiên cố, có tô trát xi măng bên ngoài, phần đáy có hệ thống ngăn không cho rác thải rơi xuống khu vực lấy tro, ống khói được làm bằng kim loại có độ bền cao.