Bình Dương, vùng đất anh hùng

VIỆT NGUYỄN 06/09/2019 10:36

Với tinh thần chiến đấu kiên cường trong kháng chiến, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương trong thời bình, xã Bình Dương (Thăng Bình) vinh dự được Đảng, Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu anh hùng.

Căn cứ lõm Bàu Bính đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: QUANG VIỆT
Căn cứ lõm Bàu Bính đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: QUANG VIỆT

Đấu tranh kiên cường

Đầu năm 1964, Đảng ủy huyện Thăng Bình (khóa VII) phát động quần chúng đấu tranh phá kìm, phá ấp, xây dựng lực lượng cách mạng tại chỗ. Ngày 5.5.1964, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, quân và dân Bình Dương nổi dậy tấn công địch cướp chính quyền. Đến ngày 7.5.1964, địch tập trung lực lượng đánh phá, chiếm lại. Bấy giờ, Tỉnh ủy quyết tâm giành lại Bình Dương để làm trọng điểm chiếm lại vùng đông Thăng Bình. Đêm 3.9.1964, các lực lượng cách mạng vượt quốc lộ 1A và sông Trường Giang, luồn về trú quân tại các cơ sở mật trên địa bàn xã Bình Dương. Ngày 4.9.1964, Nguyễn Minh Đăng - Quận trưởng Thăng Bình phát lệnh cho 7 xã vùng đông đối phó. Đồng chí Hoàng Minh Thắng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội đã phát lệnh tấn công địch ở Bình Dương đúng vào 12 giờ trưa 5.9.1964. Trong khi địch bàn kế hoạch để đối phó, quân ta nổ súng từ 4 hướng kết hợp với nhân dân nhất tề nổi dậy phá tan ấp chiến lược địch. Tối 5.9, quân ta tổ chức lễ mít tinh mừng chiến thắng, thành lập chính quyền tự quản xã Bình Dương.

Giải phóng Bình Dương, sau đó là giải phóng vùng đông Thăng Bình đã tạo thành hành lang liên hoàn vững chắc, một hậu phương lớn trên chiến trường đánh Mỹ. Từ nhiều chiến công vang dội và những tấm gương hy sinh anh dũng của quân và dân, Bình Dương đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất vào năm 1969.

Tháng 6.1970, địch huy động 9 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 2 tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, 2 trung đoàn quân cộng hòa, 3 liên đoàn biệt động ngụy cùng 130 xe tăng, xe thiết giáp, 40 xe cày ủi đất mở cuộc càn quét quy mô lớn vào Bình Dương. Huyện ủy Thăng Bình quyết định thành lập Đảng ủy vùng đông để đối phó địch với ban chỉ huy đặt tại căn cứ lõm Bàu Bính, xã Bình Dương. Ngày 15.10.1972, máy bay Mỹ ném 50 quả bom tọa độ xuống căn cứ lõm Bàu Bính khiến 72 cán bộ, bộ đội, du kích, đội công tác và dân bám trụ hy sinh.

Đồng chí Phan Thanh Toán - người chỉ huy cao nhất còn sót lại tại trận địa Bàu Bính, nhớ lại: “Những ngày đó rất ác liệt. Đến ngày 15.12.1972, ta rút lui, đưa nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi vòng vây của địch về vùng căn cứ cách mạng tại xã Bình Phú (Thăng Bình)”. Căn cứ lõm Bàu Bính ra đời và tồn tại ngay trước mặt kẻ thù như một biểu tượng thần kỳ về tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân Bình Dương. Quân địch nhiều lần tập trung binh lực, vũ khí tối tân để triệt tiêu nhưng vấp phải sự đánh trả, kháng cự kiên cường của quân và dân Bình Dương nên căn cứ lõm này vẫn tồn tại. Ghi nhận những chiến công oanh liệt của quân và dân Bình Dương, một lần nữa Đảng, Nhà nước lại vinh danh Bình Dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2 vào năm 1972.

Xây dựng quê hương

Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và thực dân Pháp trước đó, nhân dân Bình Dương đã đóng góp cho kháng chiến 130 tấn lương thực, sản xuất 2.672 quả mìn các loại, lập 4.523m rào chiến đấu, tổ chức đánh, tập kích, phục kích 1672 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương hàng nghìn tên địch, bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và máy bay của địch. Có 2.500 nam thanh, nữ tú tòng quân tham gia bộ đội và bổ sung cho lực lượng của huyện, tỉnh và Quân khu 5. Kết thúc cuộc chiến tranh, Bình Dương có hơn 4.700 người đã ngã xuống. Trong đó, được Nhà nước công nhận 1.367 liệt sĩ, 319 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 300 thương binh, bệnh binh, hàng trăm người tù đày, trẻ em mồ côi. Nhiều gia đình, tộc, họ không còn người thân bởi các vụ thảm sát man rợ của địch. Đảng bộ huyện cử 16 đồng chí làm bí thư đảng bộ xã thì có 12 đồng chí hy sinh, các đồng chí còn sống chủ yếu là thương binh, bệnh binh. Cũng trong thời gian này, có 13/16 đồng chí xã đội trưởng hy sinh.

Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, Bình Dương từ trong đổ nát, đầy rẫy chứng tích đạn bom đã khẩn trương ra quân khai hoang phục hóa, gỡ bom mìn, làm giao thông thủy lợi, mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ, tích cực tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, từng bước đẩy lùi khó khăn. Nhân dân Bình Dương đã bỏ ra hàng chục năm để trồng, chăm sóc hàng chục triệu cây phi lao, biến hàng trăm héc ta bãi cát mênh mông thành rừng xanh mượt, vừa chắn cát, chắn gió, bảo vệ nguồn nước, môi trường sống vừa tạo một nguồn lợi kinh tế quan trọng. Với thành tích này, năm 1985, xã Bình Dương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Những kết quả đó là nền tảng, động lực để Bình Dương mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

VIỆT NGUYỄN