Vì tấc đất, mất nghĩa tình!
Tôi luôn nghĩ không phải ngẫu nhiên mà số vụ tranh chấp hay khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai luôn dẫn đầu trong đơn thư khiếu nại, tố cáo ở các địa phương trong cả nước nói chung, ở Quảng Nam nói riêng (thường chiếm khoảng 70% tổng số đơn thư).
Trong số đơn thư bạn đọc gửi đến Báo Quảng Nam, nhiều nhất là đơn thư thuộc lĩnh vực này. Bên cạnh tranh chấp về ranh giới giữa các thửa đất liền kề xảy ra chủ yếu; đáng buồn hơn là tranh chấp dân sự về di sản thừa kế, quyền sử dụng đất giữa những người thân trong gia đình hoặc tranh chấp tài sản chung, quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn cũng khá phổ biến.
Bình thường đơn thư về đất đai đã nhiều; trong các đợt nhà đất tăng giá, số đơn thư liên quan đến tranh chấp đất đai cũng tăng đột biến. Khi các xã vùng đông của tỉnh lên cơn sốt đất, Báo Quảng Nam nhận được đơn nhờ can thiệp của một người mẹ ngoài chín mươi tuổi vì con trai bà lấy trộm “sổ đỏ”. Già yếu, bệnh tật, bà muốn bán miếng đất đó để lấy tiền chữa bệnh nhưng không có “sổ đỏ”, đành chịu. Mà theo bà, người con trai bỏ mặc bà, không hề chăm sóc, chỉ chờ bà qua đời để chiếm mảnh đất hơn 600 mét vuông... Hay vụ hai anh em ruột ở Tam Kỳ tranh chấp nhà ở do cha mẹ để lại mà Báo Quảng Nam phản ánh là một ví dụ về tình ruột thịt bị chia cắt vì đất đai. Người em ruột yêu cầu cơ quan chức năng hủy “sổ đỏ” của anh trai để đảm bảo quyền lợi trên phần đất mà mình đã có nhà ở nhưng không được chấp thuận. Vụ việc lẽ ra không cần phải “đưa nhau lên báo” hoặc “đáo tụng đình” nếu có sự thống nhất từ trong gia đình. Nhưng đến nay, vụ việc này đã đi quá xa... Riêng vụ anh trai sát hại cả gia đình người em vì nửa mét đất giáp ranh giữa hai nhà xảy ra ở Hà Nội mới đây quá rúng động và hết sức tàn nhẫn. Phải chăng đất đai là loại tài sản có giá trị, “tấc đất, tấc vàng” - như ông bà ta thường nói, nên để có được “tấc vàng”, người ta sẵn sàng bất chấp tình nghĩa, pháp lý, kể cả sinh mạng của người trong gia đình.
Trong những lần tiếp bạn đọc tại Báo Quảng Nam liên quan đến tranh chấp đất đai giữa những người trong gia đình hoặc hàng xóm láng giềng, chúng tôi thường khuyên đương sự tự hòa giải hoặc nhờ các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở tổ chức can thiệp, hòa giải, những mong các bên tự nguyện thỏa thuận, giải quyết tranh chấp; để tình làng nghĩa xóm hoặc tình ruột thịt được duy trì tốt đẹp. Hoặc nếu không thể thỏa thuận, thì làm đơn đề nghị UBND cấp xã hòa giải; cực chẳng đã mới làm đơn khởi kiện hoặc gửi đơn đến cơ quan báo chí. Bởi, “đáo tụng đình”, vì bất cứ lý do gì, hoặc kết quả như thế nào, đều khiến người trong cuộc mệt mỏi, tổn thương. Và kết cục có lợi dù nghiêng về bên nào, những mất mát trong tình cảm là điều không thể đo đếm được. Nếu mỗi người biết nhường nhịn một chút, chịu thiệt một chút, hẳn việc kiện tụng hay những chuyện đau lòng vì đất đai, nhà cửa đã không xảy ra. Nếu nhìn xa hơn chút nữa, còn phải xem xét trách nhiệm của cộng đồng, của chính quyền cơ sở khi để những chuyện lẽ ra được dàn xếp ổn thỏa lại gây hậu quả nghiêm trọng.