Tài sản địa phương, tác động toàn cầu

QUỐC TUẤN 05/09/2019 11:08

Một thập kỷ với nhiều dấu ấn và tồn tại đã qua đi cũng là cơ hội nhìn lại, rút ra nhiều điều để bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An,  tài sản địa phương nhưng mang ý nghĩa toàn cầu này.

Hệ sinh thái rừng Cù Lao Chàm sở hữu nhiều loài sinh vật đặc hữu và có giá trị cần được bảo tồn. Ảnh: Q.T
Hệ sinh thái rừng Cù Lao Chàm sở hữu nhiều loài sinh vật đặc hữu và có giá trị cần được bảo tồn. Ảnh: Q.T

Nhận diện bất cập

Nằm ở hạ nguồn Thu Bồn - dòng sông huyết mạch bậc nhất ở xứ Quảng, vốn gắn chặt với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, hàng trăm ngàn dân cư, nên Cù Lao Chàm - Hội An là một trong những khu vực hứng chịu tác động mạnh mẽ của tự nhiên, con người. Trong đó, những tác động đến cồn bãi, bãi bồi đã làm thay đổi cấu trúc địa chất, hướng của dòng chảy dẫn đến mất nhiều bãi đẻ, bãi ươm giống và chia cắt vòng đời tự nhiên của một số loài hải sản quý trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Sau 10 năm, khu sinh quyển đã mất đi hơn 40ha thảm cỏ biển, cấu trúc quần xã rạn san hô bị thay đổi theo hướng giảm nhẹ cả về độ giàu có và phong phú loài, nguồn lợi sinh vật rạn chưa có dấu hiệu phục hồi”.

Một góc hệ sinh thái dưới biển trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: Q.T
Một góc hệ sinh thái dưới biển trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: Q.T

Từ năm 2008 đến nay, rừng trên Cù Lao Chàm đã bị mất hoặc chuyển đổi khoảng gần 88ha do phải nhường đất cho các công trình xây dựng phục vụ mục đích quốc phòng, dân sinh trên đảo (71,2ha) và giao cho doanh nghiệp (16,6ha). Mặt khác, còn có thực trạng đáng quan ngại đến từ việc sinh vật ngoại lai phát tán mạnh nhất là cây mai dương đang sinh sôi rất mạnh trên Hòn Lao. Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hiện nay diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu sinh quyển chỉ vào khoảng 1,26km vuông - bằng 1% tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển, trong khi mức khuyến cáo của thế giới phải đạt ngưỡng 50% tổng diện tích.

Hiện nay lượng du khách tham quan, lưu trú tại vùng chuyển tiếp (phố cổ Hội An), vùng đệm (rừng dừa nước hạ lưu sông Thu Bồn) và vùng lõi (quần đảo Cù Lao Chàm) đang tăng trưởng nhanh chóng tạo áp lực lớn cho câu chuyện cân đối giữa phát triển và bảo tồn. Trong khi đó, việc quản lý vùng ngoại vi - nơi tác động mạnh đến hệ sinh thái khu sinh quyển đang gặp khó. Vì trên thực tế Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An chỉ giới hạn trong địa giới hành chính của TP.Hội An, từ đó chỉ quản lý được một nửa dòng thuộc hạ lưu sông Thu Bồn nên việc kiểm soát các hoạt động trên toàn bộ lưu vực sông là điều bất khả thi.

Cần tiếp cận khoa học

Một dấu ấn đáng kể trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học trước tác động từ hoạt động khai thác, hoạt động trái luồng trái tuyến của các phương tiện khi di chuyển trong khu dự trữ sinh quyển là việc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã xây dựng được dải phao trên vùng biển Cù Lao Chàm phục vụ khoanh vùng, bảo tồn. Dải phao này giúp phân định vùng ranh giới để người dân không vào khu vực cấm hoặc thực hiện đánh bắt. Từ khi đóng phao trên biển vào năm 2011 đến nay các loài sinh vật quý hiếm và nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt đã được phục hồi đáng kể. Khi làm tốt, theo hiệu ứng tràn, các khu vực lân cận cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản ngày một phong phú.

Tại hội thảo về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên diễn ra tại TP.Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Cần thiết phải có hướng bảo tồn, khai thác hợp lý theo quan điểm tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, không phân biệt ranh giới hành chính địa phương mới quản lý được, vì bản chất của thiên nhiên không hề theo ranh giới”. Còn ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Với đặc thù của mình, mấy năm qua Cù Lao Chàm tranh thủ, thu hút được rất nhiều dự án hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nên rất mong UBND tỉnh ủng hộ, phê duyệt thông qua để các lực lượng chức năng ở đây có thêm nguồn lực phát huy được giá trị của khu sinh quyển”.  

Vào tháng 3.2019, UBND tỉnh đã có chủ trương thống nhất giao diện tích rừng và đất rừng đặc dụng Cù Lao Chàm - Hội An cho Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tham mưu UBND TP.Hội An xin chủ trương UBND tỉnh xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm bao gồm cả hệ sinh thái rừng và biển nhằm hợp nhất quản lý hệ sinh thái chung, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên tại vùng lõi khu sinh quyển.

Về việc cấp phép đầu tư cho các dự án du lịch ở Cù Lao Chàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, UBND tỉnh hiện rất cân nhắc và hạn chế các dự án đầu tư du lịch trên đảo và mới chỉ cấp phép cho một cơ sở lưu trú trong đó đã điều chỉnh phạm vi dự án từ 240ha xuống chỉ còn 25ha nhằm cố gắng bảo vệ tối đa thương hiệu khu sinh quyển thế giới. Quan điểm của tỉnh là giữ nguyên sơ hòn đảo, không lạm dụng khai thác, khiến tài nguyên, hình ảnh của Cù Lao Chàm bị tổn hại.

QUỐC TUẤN