HĐND tỉnh khảo sát công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu ở Tây Giang

BÍCH LIÊN 05/09/2019 10:40

Chiều 4.9, đoàn công tác của HĐND tỉnh, do bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với huyện Tây Giang về công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới rán rừng và tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2019. Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh.

 

UBND huyện Tây Giang cho biết, từ các nguồn vốn, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới, Quyết định 2950 của UBND tỉnh, huyện Tây Giang đã hỗ trợ và một phần người dân tự trồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, lâm sản ngoài gỗ. Cụ thể, diện tích cây táo mèo hiện đạt 127.906 cây/58ha, đảng sâm 272,66ha, ba kích 245,56ha, thảo quả 10ha (Ch’Ơm 5ha, A Xan 5ha), tre điền trúc 31ha, sả chanh 34,35ha, gừng 26ha. Bên cạnh đó, huyện đầu tư phát triển bảo tồn vườn ba kích với diện tích 5ha. Về sản lượng khai thác, cây đảng sâm thu hoạch 7 tạ/ha/năm (diện tích thu hoạch khoảng 30ha/năm), cây táo mèo 3 tạ/ha/năm (20ha/năm). Nguồn dược liệu thương phẩm được các hợp tác xã, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh nhỏ lẻ thu mua, tạo nguồn thu nhập chính và giải quyết đầu ra cho các hộ dân. Sản phẩm chính mang thương hiệu đặc trưng của huyện Tây Giang là đảng sâm, ba kích và các sản phẩm được chế biến chuyên sâu là rượu đảng sâm, rượu ba kích - những sản phẩm đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó còn có trà đảng sâm túi lọc, cao đảng sâm, cao ba kích dần được chế biến và tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn Tây Giang gặp không ít khó khăn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch còn yếu. Công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu chưa được quan tâm đúng mức. Năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh các sản phẩm dược liệu còn thấp. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu trên địa bàn hết sức khó khăn. Công tác tổ chức và quản lý khai thác, thu mua dược liệu và các lâm sản ngoài gỗ còn nhiều bất cập. Công tác tuyển chọn giống cây dược liệu chưa được quan tâm. Công tác giao đất giao rừng cho người dân còn vướng nên việc triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng gặp nhiều khó khăn... 

Trước đó, đoàn công tác HĐND tỉnh có buổi làm việc với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tây Giang, UBND xã Lăng, Hợp tác xã Thiên Bình.

BÍCH LIÊN