Vận tải khách cần gỡ khó

CÔNG TÚ 04/09/2019 14:22

Xí nghiệp vận tải Quảng Nam (trực thuộc Công ty CP GTVT Quảng Nam) và Công ty TNHH MTV Vận tải Phương Vy do ông Ông Văn Dũng làm giám đốc đã vượt qua rất nhiều thách thức, góp phần vào sự vươn lên của vận tải khách tỉnh nhà. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) vẫn loay hoay trước khó khăn mà bản thân họ không thể giải quyết được.

Giám đốc Ông Văn Dũng (ngoài cùng bên trái) là thành viên BCH Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam. Ảnh: C.TÚ
Giám đốc Ông Văn Dũng (ngoài cùng bên trái) là thành viên BCH Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam. Ảnh: C.TÚ

Vượt qua thách thức

Từng tiếp xúc với nhiều chủ DN vận tải khách, chúng tôi nghe họ nói về những phức tạp của ngành kinh doanh này. Phải là người yêu nghề thực thụ, họ mới “sống chết” được với nó. Trước đây vốn khó, bây giờ vận tải khách thêm đối mặt với nhiều thách thức nan giải hơn. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, hoạt động trá hình của không ít cá nhân, đơn vị cùng ngành nghề. Hai DN mà ông Ông Văn Dũng “cầm trịch” cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Xe buýt thì bị xe tuyến cố định của chủ nhân khác đi vào nội thành “chụp giựt”. Vào giờ cao điểm, họ đi theo lộ trình xe buýt nội, liên tỉnh liền kề đang hoạt động, đến trạm dừng trước 5 phút so với xe buýt để chèo kéo khách. Nếu chưa “no”, tài xế quay lại tiếp tục mồi chài “thượng đế”. Cạnh đó, xe tuyến cố định lại bị “cạnh tranh” bởi xe đăng ký chạy hợp đồng, song lại bắt khách dọc theo suốt tuyến, chẳng khác so với tuyến cố định. Cũng đưa đón khách tận nhà, nhưng nhiều chủ phương tiện không cần đăng ký, không phải nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách.       

DN vận tải buýt tuyến liền kề Quảng Nam và Đà Nẵng đang hoang mang, lo lắng cho số phận của mình.
DN vận tải buýt tuyến liền kề Quảng Nam và Đà Nẵng đang hoang mang, lo lắng cho số phận của mình.

Để trụ vững trước thách thức, ông Dũng và đội ngũ nhân viên đã nỗ lực bội phần, cùng chia sẻ lúc khó khăn vì cái chung. Đồng thời, DN đặt lộ trình, phấn đấu từng bước nâng cao chất lượng phương tiện và nhất là chất lượng phục vụ. Đến nay, ngoài 17 phương tiện đang hoạt động trên các tuyến buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng, Quế Sơn - Đà Nẵng và Ái Nghĩa (Đại Lộc) - Đà Nẵng, nơi đây còn có 14 xe tham gia vận chuyển khách trên các tuyến cố định. Không đơn thuần chỉ kinh doanh, bước vào chiến dịch vận tải tết, đơn vị tham gia rất tích cực, kể cả bố trí xe dự phòng để ứng trực, chờ lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý và yêu cầu hạ tải nếu phát hiện xe chở khách vi phạm. Mùa mưa bão, DN sẵn sàng tham gia di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có sự điều động của ngành chức năng. Riêng trong năm 2018, đơn vị bố trí phương tiện trung chuyển hàng hóa và hành khách trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng do tàu gặp sự cố, đường sắt bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Lãnh đạo DN cũng là thành viên có trách nhiệm với hoạt động của tổ chức Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam.

Trăn trở

Có tổng cộng 8 DN đang kinh doanh vận tải buýt liền kề giữa Quảng Nam và Đà Nẵng không trợ giá gồm: Công ty CP Xe khách và dịch vụ thương mại Đà Nẵng, HTX Dịch vụ vận tải Hải Vân, Xí nghiệp Vận tải Quảng Nam, HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ, HTX Thủy bộ du lịch Hội An, Công ty TNHH MTV Vận tải Phương Vy, HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp Duy Xuyên, HTX GTVT Đại Lộc. Số lượng phương tiện khoảng 100 xe, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động. Theo số liệu của Trung tâm DATRAMAC Đà Nẵng, sản lượng vận chuyển năm 2017-2018 đạt 2,5 - 2,7 triệu lượt hành khách, mỗi năm cao gần gấp đôi so với xe buýt được trợ giá. 

Còn nhớ ngày 15.11.2017, Sở GTVT Đà Nẵng có báo cáo số 5645/BC-SGTVT gửi UBND TP.Đà Nẵng liên quan đến chủ trương về điều chỉnh lộ trình các tuyết xe buýt liền kề không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng. Theo đó, Sở GTVT Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép thời gian điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố bắt đầu từ ngày 1.1.2019. Cụ thể: điều chỉnh điểm đầu - cuối tuyến xe buýt số 1 (Đà Nẵng - Hội An) từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng ra Trường Cao đẳng Việt Hàn (giáp phường Điện Ngọc, Điện Bàn); tuyến số 3 (Đà Nẵng - Ái Nghĩa) từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng lên trung tâm hành chính huyện Hòa Vang; các tuyến số 4 (Đà Nẵng - Tam Kỳ) từ 45 Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng), tuyến số 6 (Đà Nẵng - Phú Đa) từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, tuyến số 9 (Đà Nẵng - Quế Sơn) từ bãi xe Thọ Quang được điều chỉnh ra bến xe phía nam Đà Nẵng. Như vậy, toàn bộ 5 tuyến xe buýt liền kề giữa Quảng Nam và Đà Nẵng phải “ra rìa” thành phố dừng trả - đón khách. Ngày 23.11.2017, lãnh đạo 9 DN, hợp tác xã (HTX) tham gia hoạt động trên 5 tuyến xe buýt liền kề không trợ giá giữa Quảng Nam và Đà Nẵng vừa đề cập đã ký vào bản kiến nghị gửi cấp có thẩm quyền xin không thực hiện chủ trương trên. Nếu áp dụng, đó sẽ như dấu chấm hết đối với các tuyến xe buýt này.

“Đến nay, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ khiến chúng tôi rất hoang mang, trăn trở mãi vì chưa biết kết cục thế nào. Phương tiện thì xuống cấp nhưng chẳng ai  dám đầu tư thay thế mới. Khoảng 2 năm nay rồi, chưa có cuộc họp nào giữa hai địa phương mời các DN tham dự để có ý kiến tỏ bày” - ông Ông Văn Dũng nói. Ngày 24.7 vừa qua, các DN đồng ký văn bản xin chủ trương được “giữ nguyên lộ trình 5 tuyến xe buýt liền kề không trợ giá như đã phê duyệt và nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng”, gửi đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND cùng ngành chức năng tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo Thành ủy, UBND và ban ngành chức năng của TP.Đà Nẵng. Các DN vận tải khẳng định, chấp nhận hoạt động song song với loại hình xe buýt có trợ giá của TP.Đà Nẵng, bởi vì đây là hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước, loại hình nào phục vụ tốt hơn thì hành khách ủng hộ. Các tuyến xe buýt không trợ giá hoạt động ổn định từ nhiều năm nay (có tuyến đã ra đời hơn 20 năm), tạo thành thói quen đi lại của cán bộ, nhân dân hai địa phương và đóng góp quan trọng trong ổn định trật tự vận tải khách.

Theo ông Ông Văn Dũng, thành quả mà các DN xe buýt đạt được phải trải qua bao khó khăn, tốn rất nhiều tiền bạc công sức. Thậm chí, thời gian ban đầu phải chạy xe không nhằm tạo dần thói quen, thu hút khách. Để xe buýt ra đời, bản thân ông Dũng “nằm vùng” nhiều tháng liền khảo sát, lập phương án, xin chủ trương… Tuy còn nhiều khiếm khuyết, các DN đã dần khắc phục, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân dân Đà Nẵng và Quảng Nam. Giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ tiện ích như trường học, bệnh viện, nhà ga, siêu thị… Nếu việc điều chỉnh được áp dụng, buộc hành khách phải mất thêm một lần mua vé cho chặng thứ 2 nếu muốn vào nội thành, điều này chỉ góp phần cho các loại “xe dù, bến cóc” phát triển. Rồi nữa, buýt Hội An - Đà Nẵng, Ái Nghĩa - Đà Nẵng phải ra vùng giáp ranh, đồng nghĩa cự ly chỉ còn trên dưới 10km thì coi như xóa bỏ hẳn tuyến. Người dân ra - vào thành phố sẽ lại sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy thì nguy cơ xảy ra va chạm trên đường càng cao, gây ùn tắc cho khu vực nội thành. “Chúng tôi tha thiết được tham dự một cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo để được đối thoại, bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Nếu không điều chỉnh nữa, các DN sẽ tập trung đổi mới phương tiện, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ hành khách” - một vị đại diện DN chia sẻ.

CÔNG TÚ