Giọt máu ân tình
Trong những năm qua, con em của xã bãi ngang ven biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đã tích cực tham gia phong trào hiến máu nhân đạo kịp thời cứu sống biết bao người.
Những giọt máu cho đi
Phong trào hiến máu nhân đạo của xã Tam Thanh được triển khai từ những năm sau ngày tái lập tỉnh Quảng Nam, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa, thể hiện tính nhân văn cao cả, được xã hội tôn vinh. Ông Bùi Tấn Bửu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tam Thanh cho biết, công tác hiến máu nhân đạo được tổ chức hàng năm, những năm trước đây tổ chức 2 lần/năm, riêng năm 2019 kế hoạch tổ chức 3 lần/năm và chỉ tiêu giao bình quân 80 đơn vị máu/năm. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể đã thể hiện được vai trò nòng cốt trong việc phát triển phong trào tạo điều kiện để Ban chỉ đạo hiến máu vận động được từ 100 - 120 tình nguyện viên tham gia hiến máu hàng năm góp phần hoàn thành chỉ tiêu giao. Riêng 2 năm 2017 - 2018, xã Tam Thanh vượt mức gần 130% so với chỉ tiêu giao, được UBND TP.Tam Kỳ tuyên dương khen thưởng.
Để có được thành tích đó, trong những năm qua trên địa bàn xã Tam Thanh đã dấy lên phong trào thi đua “nhà nhà, người người cùng tham gia hiến máu nhân đạo”. Người tham gia ít nhất 5 lần, người nhiều nhất cũng gần 20 lần, trong đó có không ít người là phụ nữ, đã tích cực hiến máu nhân đạo kịp thời cứu sống được nhiều người. Anh Phan Văn Nhanh (sinh năm 1980, thôn Hòa Trung), cán bộ chuyên trách LĐ-TB&XH, đã 12 lần hiến máu nhân đạo cho biết, qua mỗi lần hiến máu anh cảm thấy hạnh phúc khi những giọt máu của mình cho đi sẽ giúp cứu sống được ai đó, nên luôn đi đầu trong các cuộc vận động. Ghi nhận công lao đóng góp cho phong trào hiến máu tình nguyện, anh Nhanh đã được UBND TP.Tam Kỳ, Ban chỉ đạo Hiến máu nhân đạo tỉnh tặng giấy khen và mới đây được mời dự hội nghị tuyên dương những tình nguyện viên hiến máu nhiều lần do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tại huyện Đại Lộc.
Lập ngân hàng máu sống
Không phải bệnh viện nào cũng có điều kiện trang bị đầy đủ thiết bị để dự trữ máu. Cho nên nếu có trường hợp cấp cứu mà vận chuyển máu từ các nơi khác đến hoặc chuyển bệnh nhân đi sẽ gặp nhiều trở ngại, không đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh. Vì vậy, việc tuyển chọn và duy trì lực lượng hiến máu dự bị để tạo nên ngân hàng máu sống là phương án tối ưu nhất, giúp bảo quản máu ngay trong cơ thể, luôn được đổi mới và có thể huy động bất cứ lúc nào. Xét thấy đây là việc làm cần thiết, tháng 5.2019 Hội Chữ thập đỏ xã Tam Thanh tham mưu UBND xã ban hành quyết định thành lập Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống gồm 17 thành viên.
Anh Huỳnh Ngọc Thân (sinh năm 1986, thôn Hòa Thượng; làm việc tại Công ty Panko Hàn Quốc), không chỉ là nhân tố đi đầu hưởng ứng các cuộc vận động với 18 lần hiến máu mà anh cũng là tình nguyện viên tích cực của Ngân hàng máu sống Tam Thanh. Mới đây, anh Thân đã đến Bệnh viện Thái Bình Dương (Tam Kỳ) kịp thời hiến máu cứu giúp bệnh nhân Trần Thị Ngọc Loan đang điều trị tại khoa nội qua cơn nguy kịch. Nghĩa cử cao đẹp này đã được lãnh đạo Bệnh viện Thái Bình Dương ghi nhận và đã có thư cám ơn. Không chỉ anh Thân, hầu hết thành viên của câu lạc bộ luôn sẵn sàng trong mọi tình huống, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng các anh, các chị cũng sẵn sàng lên đường hiến máu cứu người. Anh Phan Văn Nhanh - thành viên câu lạc bộ cho biết, loại máu của từng thành viên Ngân hàng máu sống đã được Ban chỉ đạo Hiến máu nhân đạo xã lưu vào sổ, khi cần sẽ điều khẩn cấp đến địa điểm hiến máu. Vì vậy mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng khi người bệnh cùng nhóm máu có nhu cầu.