Phòng sinh thân thiện

ÁNH MINH 04/09/2019 11:17

Việc triển khai mô hình “Phòng sinh thân thiện” với sự đồng hành của người thân sản phụ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ và bé.

Vượt cạn khi có người đồng hành.Ảnh: Ánh Minh
Vượt cạn khi có người đồng hành.Ảnh: Ánh Minh

Nhiều lợi ích

Chuyển dạ là mốc đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ thai nghén, sau 9 tháng 10 ngày “mang nặng”, thai phụ bước vào giai đoạn “đẻ đau”. Một cuộc chuyển dạ thường kéo dài 6 - 12 giờ, thậm chí với những người sinh con lần đầu khoảng thời gian chuyển dạ sẽ dài hơn. Mỗi khi tử cung lên cơn go dày, sản phụ quặn thắt, đau đớn, vật vã, không thể đi lại hay nói chuyện, không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Không chỉ vậy, đây chính là lúc những biến chứng nguy hiểm như băng huyết, vỡ tử cung, sản giật... có thể xảy ra trong lúc sinh nở. Hơn lúc nào hết, sự chăm sóc đặc biệt của người thân trong gia đình sẽ là liều thuốc trấn an tinh thần hiệu quả nhất đối với họ trong lúc này.

Những năm trở lại đây, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các chuyên gia sức khỏe sinh sản đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiều bệnh viện đã triển khai mô hình chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ non tháng đã đem lại lợi ích rất nhiều cho bà mẹ và trẻ. Tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, mô hình phòng sinh thân thiện đã và đang được triển khai, nghĩa là khi sản phụ sinh luôn có người thân ở bên, kể cả trong lúc rặn đẻ. BS. CKII Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam cho biết: “Việc có người đồng hành khi sinh mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho mẹ và bé. Đối với mẹ, việc làm này giúp giảm tỷ lệ mổ lấy thai; giảm thời gian chuyển dạ; giảm tỷ lệ dùng thuốc giảm đau và oxytocin hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ và rặn đẻ; sản phụ nhanh phục hồi sức khỏe và giảm tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh. Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh, việc làm này giúp giảm tỷ lệ trẻ có điểm Apgar thấp, tăng tỷ lệ cho con bú sớm và kéo dài thời gian bú sữa mẹ sau sinh”.

Đồng hành

Khi sinh nở, sản phụ đối mặt với nhiều đau đớn, lo lắng, sợ hãi, hơn lúc nào hết, họ cần sự an ủi, chia sẻ, động viên về mặt tinh thần của người thân. “Đau lắm nhưng khi có anh ấy (chồng - PV) ở bên em cảm thấy yên tâm hơn nhiều” - sản phụ Lê Thị Lợi ở thôn An Thái, xã Bình An, huyện Thăng Bình, tâm sự. Còn chị Huỳnh Thị Thu Thảo, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ vượt cạn thành công bằng phương pháp sinh thường, một phần nhờ sự đồng hành của mẹ. “Trong lần vượt cạn lần này, mẹ tôi lúc nào cũng đứng cạnh bên động viên, hướng dẫn tư thế dễ chịu, hỗ trợ kịp thời. Từ đó giúp tôi tự tin, an tâm hơn nhiều so với lần sinh trước và tôi sinh thường được em bé 3,8kg” - chị Huỳnh Thị Thu Thảo chia sẻ. Việc đồng hành với vợ khi sinh giúp người chồng thấu hiểu những vất vả, đau đớn của vợ để có thể chia sẻ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Hơn nữa, giây phút được đón nhận thiên thần nhỏ ngay lúc lọt lòng là niềm hạnh phúc nhất của bất cứ ông bố, bà mẹ nào. “Vợ tôi sinh con lần đầu, nhờ sự nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ nên cũng bớt lo lắng. Đặc biệt suốt quá trình vợ sinh, tôi được ở bên chăm sóc, tận mắt theo dõi tình hình sức khỏe của vợ cho đến khi thấy con chào đời khỏe mạnh là niềm hạnh phúc rất lớn” - anh Nguyễn Văn A ở Tam Xuân I, Núi Thành cho hay.

Người đồng hành khi sinh mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho cuộc chuyển dạ, điều này được WHO đưa ra nhiều khuyến cáo và được áp dụng tích cực ở nhiều nước trên thế giới. Người đồng hành khi sinh có thể bất kỳ người nào mà sản phụ lựa chọn để hỗ trợ mình trong suốt quá trình chuyển dạ. Đơn cử đó là người phụ nữ trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nữ hoặc cũng có thể nhân viên y tế, người đỡ đẻ, những người đã được trang bị kiến thức hỗ trợ chuyển dạ. “Khoa Phụ sản của bệnh viện đã tổ chức những lớp học tiền sản với các chủ đề liên quan đến việc cần hỗ trợ của người đồng hành cho người thân sản phụ, cách tập hít thở đối phó với cơn đau trong quá trình chuyển dạ và cách rặn sinh hiệu quả. Đồng thời, trang bị những phương tiện và trang thiết bị cần thiết cho phòng sinh thân thiện, đảm bảo sự có mặt của người đồng hành vừa đảm bảo sự riêng tư cho sản phụ. Bên cạnh đó, người nhà sản phụ sẽ được tư vấn cặn kẽ về nội quy, trang phục, khử trùng cũng như kiến thức sơ bộ cần thiết để hiểu, chuẩn bị tâm lý thật vững vàng để không làm ảnh hưởng đến chuyên môn của ê kíp” -  bác sĩ Kiều Trinh cho biết thêm.

ÁNH MINH