Chắp cánh du lịch vùng di sản
Tạo sợi dây liên kết cho các di sản trong khu vực Trung Bộ làm bước đệm để hình thành một vùng du lịch đặc trưng có dấu ấn, đẳng cấp riêng là câu chuyện mà các địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cần phải đẩy mạnh.
Kết nối để không “giẫm chân”
Có thể nói, nhờ vào đặc điểm vị trí địa lý liền kề lại mang trong mình sợi dây kết nối từ rất lâu ở quá khứ mà Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có những sự tương hỗ cho nhau để trở thành các điểm đến ưa thích hàng đầu của du khách. Thời điểm đầu năm 2006, khi 3 địa phương này có những động thái “bắt tay” đầu tiên để cùng xúc tiến du lịch vùng thì lượng khách quốc tế đến đây chỉ vào khoảng 1,5 triệu lượt. Hiện nay, trong số các địa phương thu hút khách quốc tế lớn nhất nước ta, lần lượt Quảng Nam đang xếp thứ 4, Đà Nẵng xếp thứ 5 và Thừa Thiên - Huế xếp thứ 7 với tổng lượng khách trong năm 2018 đạt hơn 8,5 triệu lượt. Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, thời gian qua nhận thấy 3 địa phương sở hữu nhiều điểm có thể tương hỗ cho nhau trong thu hút thúc đẩy du lịch nên Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã hợp tác tổ chức nhiều đợt xúc tiến cả trong và ngoài nước giúp hiệu quả tăng lên trong khi kinh phí được tiết kiệm.
Trong vùng hiện có tới 5 di sản văn hóa thế giới cả vật thể và phi vật thể, sở hữu 3 cảng hàng không quốc tế là đòn bẩy lớn để hợp tác chia sẻ nguồn khách theo lợi thế của từng địa phương. Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, với tiềm năng rất lớn của mình, 3 địa phương cần định hướng đúng lợi thế riêng để phát huy từ đó kết nối, tạo thành chuỗi du lịch đặc trưng vùng. Theo ông Bình, Thừa Thiên Huế có lợi thế lớn để khai thác du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; Đà Nẵng đang phát triển mạnh du lịch biển cao cấp, du lịch MICE; trong khi Quảng Nam lại mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Một dấu ấn đáng kể trong hành trình liên kết giữa 3 địa phương là việc ra đời bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung với điểm nhấn chính là hình trái tim mở cách điệu với màu cam, xanh dương và xanh lục mang ý nghĩa về văn hóa, biển đảo và thiên nhiên vào năm 2017. Màu thứ 4 là màu đỏ - màu của lửa với ngụ ý về ẩm thực - đặc sản chung lớn nhất của vùng. Trái tim mở có hình dáng giống số 3 khi đặt trên bản đồ Việt Nam sẽ ôm trọn cả 3 thành phố Huế - Đà Nẵng - Hội An. Từ chỗ hoạt động riêng rẽ, qua việc thúc đẩy liên kết đến nay tỷ lệ khách du lịch ghé xuyên qua cả 3 địa phương trong chuyến đi đã đạt hơn 35%.
Lấp đầy khoảng cách
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nhìn nhận: “Khởi xướng liên kết giữa 3 địa phương đã hình thành 13 năm nay, dù vậy trên thực tế vẫn còn nhiều vướng víu. Du lịch là ngành kinh tế không biên giới nhưng khi đi vào hoạt động thì hợp tác giữa các đơn vị liên quan chưa thực sự chặt chẽ, trong đó phía các doanh nghiệp càng lỏng lẻo hơn từ đó thiếu sự đồng thuận cao cho định hướng chiến lược”. Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, để có sự liên kết hiệu quả hơn và đi vào chiều sâu, cần triển khai các hoạt động lựa chọn, đánh giá, hình thành sản phẩm chung cũng như định hướng hoạt động marketing cho cả 3 địa phương từ đó hình thành quỹ xúc tiến chung có sự chung tay từ xã hội hóa của doanh nghiệp.
Ông Lê Ngọc Tường nhận định, các địa phương vùng Trung Bộ đủ năng lực và điều kiện nên cần được Tổng cục Du lịch hỗ trợ tổ chức các hội chợ du lịch mang tầm quốc tế tại Hà Nội (hội chợ VITM) và TP.Hồ Chí Minh (hội chợ ITE) như hiện nay để quảng bá hình ảnh một cách rộng rãi và có chiều sâu hơn. “Được biết vào năm 2020, Hiệp hội Lữ hành của Hoa Kỳ đang muốn định kỳ hàng năm tổ chức 300 - 500 khách lữ hành đến nước ta để khảo sát, trải nghiệm, nếu 3 địa phương được hỗ trợ đứng ra đăng cai đón các đơn vị lữ hành do hiệp hội lữ hành quốc tế từ Hoa Kỳ này thì sẽ rất có lợi cho việc thúc đẩy hình ảnh của vùng” - ông Tường nói.
Với sự bùng nổ tăng trưởng lượng khách du lịch đến vùng trong thời gian qua nhất là tại Đà Nẵng, Quảng Nam dẫn đến thiếu hụt hướng dẫn viên du lịch có năng lực. Ngành du lịch hai địa phương đã có hợp tác bằng văn bản để gửi đến các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ tạm thời trong thời gian ngắn cho phép các công ty, đơn vị lữ hành tổ chức tour sử dụng các bạn trẻ có ngoại ngữ khi đến các điểm du lịch cần thuyết minh tại chỗ trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam. Được biết, cuối năm nay ngành du lịch 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng sẽ ngồi lại tìm phương án hài hòa, khả thi để khai thác tốt nhất du lịch biển đảo với những điểm đến trong khu vực đang “gây sốt” với du khách thập phương như Cù Lao Chàm, Lý Sơn…