Hành trình tìm kiếm hòa bình

PHÚC NGUYÊN 03/09/2019 11:12

Vụ thảm sát Phong Nhị do lính Nam Triều Tiên gây ra làm 74 thường dân thiệt mạng năm 1968 ở hai thôn Phong Nhất - Phong Nhị (Điện Bàn) đang được chính phủ Hàn Quốc xem xét mở cuộc điều tra, tìm kiếm sự thật nhằm đáp ứng làn sóng của công luận Hàn Quốc đòi minh bạch vai trò của lính Nam Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam.

Ku Su Jeong (thứ 2 từ trái sang) tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị.
Ku Su Jeong (thứ 2 từ trái sang) tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị.

Có một người phụ nữ Hàn đã góp phần đẩy nhanh quá trình đó, mong phần nào xoa dịu nỗi đau của những người còn sống và giúp cho thế hệ trẻ Hàn tường tận lịch sử: đó là TS.Ku Su Jeong.

Hồ sơ lần giở...

Năm 1993, cô sinh viên Ku Su Jeong từ Seoul sang Việt Nam làm nghiên cứu sinh tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh về đề tài “Vai trò của quân đội Nam Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam”. Là một người nước ngoài, việc tiếp cận các nguồn tư liệu chính thống lúc bấy giờ rất khó, nhưng cuối cùng một người bạn cũng giúp cô tìm được một tập hồ sơ về các vụ thảm sát của lính Đại Hàn tại các làng xã miền Trung. Tài liệu đó khiến cô choáng váng vì trước đó đề tài chiến tranh Việt Nam bị coi là cấm kỵ ở Hàn Quốc dưới các chế độ độc tài quân sự. Chưa bao giờ Ku Su Jeong nghe nhắc đến các vụ thảm sát này, thậm chí đọc xong cô đã để sang một góc và không dám mở ra xem lại vì nửa tin nửa ngờ.

Đến năm 1998, con tàu Hòa Bình của Nhật Bản đưa một đoàn nhà văn Hàn Quốc đến thăm Việt Nam. Khi đến thăm làng Thủy Bồ, Điện Bàn, nghe kể về vụ thảm sát của lính Đại Hàn vào ngày 21.1.1967, đoàn nhà văn Hàn sốc và không thể tin được đó là sự thật. Giận dữ với những người bạn Nhật, họ bỏ cả tàu Hòa Bình, đi đường bộ vào TP.Hồ Chí Minh gặp Ku Su Jeong. Ở đó, một lần nữa, tập hồ sơ về các vụ thảm sát mới được lật lại…

Vài tháng sau, đầu năm 1999, Ku Su Jeong một mình lên đường, dấn bước vào hành trình mà kể từ đó cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… nơi nào từng xảy ra các vụ thảm sát trong chiến tranh, nơi đó Ku Su Jeong có mặt.

Những cuộc gặp gỡ

Cầm tập tài liệu trong tay chỉ có những địa danh, Ku Su Jeong lần theo bản đồ tìm kiếm những tên đất tên làng mà sau năm 1975 đã có nhiều thay đổi. Vậy mà cứ gặp ngã ba, ngã tư thì cô lại nghĩ hay mình đi thử đường này. Và một điều kỳ lạ là cứ đến một ngôi làng, dừng chân là cô bắt gặp ngay tấm bia tưởng niệm. Hỏi thăm bất kỳ người dân nào về những nơi ngày xưa quân đội Hàn Quốc đóng quân hay gây ra thảm sát thì đều được chỉ đến đúng nơi cần đến. Mọi sự trở nên dễ dàng đến mức cô từng nghĩ có lẽ mình được những oan hồn giúp đỡ để tìm ra sự thật. Bước vào một ngôi làng thì hàng chục người, hàng trăm người đồng loạt nói ra thời gian, địa điểm của các vụ thảm sát và dẫn cô đến bia tưởng niệm. Chỉ qua vài ngôi làng, so sánh các thông tin trùng khớp, Ku Su Jeong đã tiếp cận một phần sự thật.

“Hồi đó tôi tới bất kỳ làng nào cũng đến gặp một nạn nhân, chỉ cần nói chuyện khoảng 2 - 3 phút là tất cả dân làng tập trung đến. Người ta giơ tay lên và nói: “Khai, khai”. Tôi giải thích cho họ tôi không phải một quan chức Hàn Quốc, cũng không phải đến điều tra vụ thảm sát mà chỉ là một nghiên cứu sinh đến tìm hiểu vấn đề này. Người ta vẫn muốn nói về vụ thảm sát. Và từng người lần lượt kể tôi nghe gia đình họ đã mất bao nhiêu người. Nếu là một xã nhỏ thì hàng chục người tới, nếu gặp xã lớn hơn thì cả hàng trăm người tới. Hình ảnh hàng trăm người đứng xung quanh giơ tay: “Tôi xin khai!” đó tôi không thể nào quên” - Ku Su Jeong nói.

Kỳ lạ nhất là người ta thường vừa kể vừa khóc. Người ta nói là xin lỗi em, tôi không muốn làm em đau lòng, xin lỗi em vì tôi khóc. Lẽ ra mình là người Hàn Quốc mình phải xin lỗi họ nhưng họ cứ nói với tôi là xin lỗi, trong lúc vừa kể cho tôi nghe vừa khóc.

Đến hàng chục làng xã, gặp cả hơn ngàn người, đi đâu Ku Su Jeong cũng nghe nói rằng cô là người Hàn Quốc đầu tiên xuất hiện trở lại ở những ngôi làng đó, sau nhiều năm các vụ thảm sát xảy ra. “Tôi đi một mình và tôi phải nói chuyện với cả chục, cả trăm người. Tôi học tiếng Việt ở miền Nam nên tiếng địa phương miền Trung hoàn toàn không quen, nhưng thật kỳ lạ là hồi đó tôi có thể hiểu hết được những gì người ta kể, bởi vì họ không chỉ kể bằng lời mà mình cảm giác như là người ta kể bằng mắt bằng tay thậm chí kể bằng cả thân người họ. Kỳ lạ nhất là người ta thường vừa kể vừa khóc. Người ta nói là xin lỗi em, tôi không muốn làm em đau lòng, xin lỗi em vì tôi khóc. Lẽ ra mình là người Hàn Quốc mình phải xin lỗi họ nhưng họ cứ nói với tôi là xin lỗi, trong lúc vừa kể cho tôi nghe vừa khóc. Có người từ nơi khác quay về kể chuyện, vì người ta nói ban đêm hay là lúc trời mưa thì vẫn nghe thấy tiếng khóc tiếng la, người ta không thể sống ở đó được nên phải dời đi nơi khác”.

Ku Su Jeong và bà Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị giải thích về thư thỉnh cầu.
Ku Su Jeong và bà Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị giải thích về thư thỉnh cầu.

Trong hành trình đó, Ku Su Jeong mang theo 2 chiếc máy ảnh và máy quay phim, nhiều tài liệu ghi chép đựng trong hai chiếc ba lô quàng trước và sau thân người, hai chiếc khác hai bên vai, đến đâu cô cũng được người thân của những nạn nhân tặng quà, nơi thì là sắn, nơi là nải chuối, nơi là trái cây vườn nhà. Nỗi sợ dần tan biến nhường chỗ cho những tình cảm sâu sắc với con người ở những vùng đất cô đã đi qua.

Chứng tích chiến tranh

Chuyến đi 45 ngày của Ku Su Jeong cuối cùng dừng lại ở làng Phong Nhị.

Trong bao nhiêu vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra ở miền Trung, Phong Nhị là vụ duy nhất có được bằng chứng. Năm 1968, ngay sau vụ thảm sát, trước lúc quân đội Đại Hàn dùng xe ủi cày nát ngôi làng, hạ sĩ J. Vaughn thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã kịp tiếp cận khu vực này và chụp được những bức ảnh về tội ác. Đây là vụ thảm sát duy nhất còn lưu lại hình ảnh. Năm 2000, một phần những tư liệu về chiến tranh Việt Nam được giải mật và hé lộ những hồ sơ về vụ thảm sát này.

Từ hồ sơ còn lưu lại từ Mỹ, hồ sơ phía Việt Nam và lời kể của một số cựu chiến binh Hàn Quốc, vụ thảm sát Phong Nhị được lật lại. Với sự hậu thuẫn của các tổ chức hoạt động vì hòa bình Hàn Quốc, hiện các nạn nhân đã cùng ký vào một thư thỉnh cầu đưa đến Nhà Xanh đề nghị chính phủ Hàn Quốc mở cuộc điều tra làm sáng tỏ sự thật. Vụ việc cũng sẽ được tòa án tối cao Hàn Quốc tiến hành tố tụng trong thời gian tới.

Lần đầu tiên nhìn thấy những bức ảnh chụp nạn nhân nằm chết trên bờ ruộng, trước sân nhà mình khi còn chưa kịp ăn xong bữa sáng, Ku Su Jeong cảm nhận sự thảm khốc của những vụ thảm sát không còn chỉ qua những con số nạn nhân: “Tôi nghĩ miên man, những người đã nằm xuống trong ảnh này là ai, người đó là người thế nào, là con của ai, chị của ai, mẹ của ai, và khi còn sống thì họ có ước mơ gì. Mỗi con người đó đều từng có một cuộc đời, một khuôn mặt. Niềm xúc động đó khiến Phong Nhị trở thành một ngôi làng đặc biệt đối với tôi”.

Hơn 20 năm theo đuổi vấn đề Việt Nam, Ku Su Jeong đã là người đầu tiên đưa câu chuyện ra công luận Hàn Quốc, làm dấy lên phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam!”, đưa hàng ngàn sinh viên và các nhà hoạt động xã hội sang những làng quê từng xảy ra thảm sát để tìm hiểu một sự thật lịch sử mà các cựu chiến binh Hàn luôn muốn che giấu. Cô coi đó là công việc của cả cuộc đời mình: “Nhiều khi rất cực nhọc, rất mệt mỏi nhưng tôi không thể rời bỏ nó, không thể quay trở lại cuộc đời trước đây tôi đã sống, làm một cô gái ngây thơ và vô tư được nữa. Từ năm 1999 tới nay tôi đã bay tới Đà Nẵng hàng trăm lần rồi nhưng chưa bao giờ ra biển chơi hoặc đến Ngũ Hành Sơn tham quan như những khách du lịch khác. Đến Đà Nẵng là đến Hà My, đến Cẩm An, đến Phong Nhị, Thủy Bồ. Tôi không bao giờ có thể đặt chân đến miền Trung mà có thể cảm thấy thoải mái tận hưởng điều gì được”.

Hơn 20 năm nay, xã hội Hàn Quốc mong muốn giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách yêu cầu Chính phủ phải minh bạch lịch sử về các vụ thảm sát của quân đội Đại Hàn, nhằm hàn gắn những vết thương chiến tranh cho các nạn nhân và hướng đến một nền hòa bình lâu dài và bền vững. Điều cuối cùng Ku Su Jeong mong ước cô có thể làm, đó là cùng các tổ chức xã hội Hàn Quốc xây dựng một bảo tàng Hòa Bình về chiến tranh Việt Nam tại Hàn Quốc, trưng bày các vụ thảm sát để các thế hệ trẻ người Hàn không lặp lại sai lầm đó trong tương lai.

PHÚC NGUYÊN