Châu Á chống tin giả mạo
(QNO) - Chính phủ các nước châu Á đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả thông qua phương tiện truyền thông xã hội và internet.
Theo định nghĩa của từ điển Collins, tin tức giả (fake news) là “những thông tin sai, thường là giật gân, được phát tán dưới vỏ bọc tin tức”.
Còn theo trang web PolitiFact, tin tức giả là những thứ bịa đặt, nhưng được trình bày giống như một tin báo chí trên một số trang tin đáng tin cậy, dễ dàng lan truyền trên trực tuyến tới rất nhiều độc giả.
Trong cuộc họp nội các vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết tăng cường nỗ lực xóa bỏ tin giả mạo, sai sự thật có thể làm bất an trên thị trường tài chính, gây thiệt hại cho nền kinh tế và bất ổn an ninh.
Cách đây 3 tháng, Singapore thông qua luật chống tin tức giả mạo. Theo đó, luật cho phép các bộ trưởng trong Chính phủ yêu cầu các trang truyền thông xã hội (social media) như Facebook và Twitter gắn cảnh báo bên cạnh những nội dung đăng tải, hoặc gỡ bỏ những nội dung mà nhà chức trách xác định là giả mạo.
Nếu hành động bị đánh giá là độc hại và gây tổn hại lợi ích của đảo quốc sư tử, các công ty có thể bị phạt tiền lên tới 1 triệu SGD (tương đương 735.000 USD). Cá nhân vi phạm có thể đối mặt án phạt tối đa 10 năm tù giam. Singapore khẳng định, các biện pháp trên là cần thiết nhằm ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật có thể gây chia rẽ xã hội và hủy hoại niềm tin vào thể chế.
Năm 2018, Indonesia thành lập cơ quan an ninh mạng trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này đang nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan và nạn tin giả đang lan tràn trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng các kênh truyền thông mạng xã hội cao nhất thế giới. Chỉ riêng số người Indonesia dùng mạng Facebook cao thứ ba thế giới, khoảng 130 triệu tài khoản.
Vào tháng 6.2019, Sri Lanka quy định án tù 5 năm đối với những người bị kết án phát tán tin tức giả mạo và ngôn từ kích động hận thù trên các phương tiện truyền thông xã hội. Người phạm tội cũng sẽ bị phạt 1 triệu rupee Sri Lanka. Bộ luật Hình sự cũng đang được sửa đổi để đưa ra các hình phạt mới, mạnh tay và nghiêm khắc hơn để chống tin tức giả mạo.
Đặc biệt, sau các cuộc tấn công các nhà thờ và khách sạn tại Sri Lanka khiến 258 người thiệt mạng hồi tháng 4 vừa qua, Chính phủ nước này ban hành lệnh cấm 9 ngày đối với các nền tảng bao gồm Facebook, Twitter, YouTube, Instagram và WhatsApp vì lo ngại lan truyền tin giả mạo, gây kích động.
Năm 2018, Campuchia công bố luật chống tin tức giả. Theo đó, bất kỳ ai đăng thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc trang web đều có thể bị phạt tới 2 năm tù và phạt tiền 1.000 USD.
Ngày 19.8 mới đây, nhà chức trách Thái Lan cho biết nước này đề xuất các công ty công nghệ thành lập các trung tâm tại mỗi nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á nhằm ngăn chặn làn sóng tin giả và các tài khoản giả mạo.