Nhận người dưng về nuôi dưỡng

VINH ANH 30/08/2019 14:59

Tự nguyện nhận một người dưng bị mù lòa, già yếu đưa về nhà chăm sóc gần 5 năm trời; câu chuyện nhân văn ấy đang diễn ra tại gia đình bà Lê Thị Mộng Thu (tổ 1, thôn Tân Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh).

Bà Lê Thị Mộng Thu và cụ Mịch. Ảnh: VINH ANH
Bà Lê Thị Mộng Thu và cụ Mịch. Ảnh: VINH ANH

Không thể nhắm mắt làm ngơ

Nằm bên đường ĐT615, cách kênh chính thủy lợi Phú Ninh chừng 100m là nhà bà Thu. Căn nhà cấp 4 không mấy rộng rãi, gần 5 năm nay đã đón một thành viên mới vào sinh sống. Đó là cụ Nguyễn Thị Mịch (80 tuổi), người ở cùng thôn, bị mù lòa 2 mắt, già yếu lại không còn người thân thích bên cạnh. Theo lời kể của bà Thu, cụ Mịch có hoàn cảnh hết sức thương tâm. Nhà có 2 anh em nhưng mồ côi ba mẹ từ nhỏ. Người anh trai tên là Nguyễn Khoái (qua đời năm 2014), vì thương hoàn cảnh em gái bị mù lòa nên không lấy vợ, ở mình nuôi em. Những năm cuối đời, lúc ốm đau nằm viện, anh trai cụ Mịch phải nhờ đến sự chăm sóc, giúp đỡ của bà con lối xóm, trong đó có gia đình bà Thu. “Thương hoàn cảnh 2 cụ già yếu, không người thân chăm sóc, tôi và một vài người trong xóm thường xuyên lui tới lo cơm nước, giặt giũ, vệ sinh…” - bà Thu chia sẻ.

Cuối năm 2014, anh trai cụ Mịch qua đời để lại cụ một thân một mình trong căn nhà quạnh quẽ. Lúc này, gia đình bà Thu tiếp tục cưu mang, chăm lo cơm nước cho cụ. Không chỉ mỗi bà Thu mà cả chồng, con đều sẻ chia. Lúc rảnh rỗi, con trai bà Thu đến cõng cụ về nhà ở với mọi người. Để tiện việc chăm sóc, đầu năm 2015, bà Thu bàn với gia đình đón cụ Mịch về nhà sống. Bà cho biết, dù hàng ngày lui tới lo cơm nước, giặt giũ áo quần cho cụ nhưng không thể yên tâm và đành lòng nhìn cụ đêm hôm ở một mình trong căn nhà đã xuống cấp. “Nghĩ mãi rồi tôi cũng quyết định bàn với gia đình đón cụ về ở. Chồng, con ủng hộ nhưng nhiều người thân thích đều ra sức ngăn cản, bảo đón cụ về là rước cái khổ cả đời. Nhưng tôi vẫn quyết và coi đó là chuyện tôi nợ cụ kiếp trước cho nhẹ lòng…” - bà Thu bộc bạch.

Chấp nhận tất cả

Bà Lê Thị Mộng Thu là một trong 16 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2018, được Huyện ủy Phú Ninh tuyên dương, khen thưởng vào ngày 17.5.2019.

Bà Thu gầy nhom, nay lại lo thêm một cụ già mù lòa thì cái khổ là rõ như ban ngày nhưng  bà chấp nhận tất cả. Từ nhỏ, bà cũng chẳng sung sướng gì, 6 tuổi đã mồ côi mẹ, phải sống chung với mẹ kế. Xác định đón cụ Mịch về ở cùng gia đình là bà Thu đã chấp nhận cái khổ về mình. Chăm người già, lại còn bị mù lòa không cực mới lạ. Đó là chưa kể lúc già yếu, cụ nằm liệt giường... Chấp nhận sự vất vả, cực nhọc, gần 5 năm qua, bà Thu và gia đình đã chăm lo cụ Mịch như người thân. Bà Lê Thị Loan (sống cạnh nhà bà Thu) chia sẻ: “Tôi hay nói với bà Thu là kiếp trước chắc nợ cụ Mịch nên kiếp này phải trả. Bởi có mấy ai lại đi nuôi người dưng. Ba mẹ mình nhiều khi không nuôi nổi, còn đùn qua đẩy lại, mà bà Thu lại đưa cụ già mù lòa về nuôi. Mà có phải vì cụ Mịch giàu có gì đâu…”.

Gần một năm nay cụ Mịch không còn minh mẫn, tính khí bắt đầu thay đổi. Đầu óc nhiều lúc không còn tỉnh táo, kiểu “ăn rồi nói chưa ăn” nên nhiều phen làm bà Thu... “đuối đơ”. Bà Thu tâm sự: “Tính khí người già mà, cụ có mắng mình cũng phải chịu thôi. Nhiều hồi cũng bực, dọa trả cụ về nhà, nhưng tôi biết mình không bao giờ làm được như vậy, về thì ai nuôi, ai lo cho cụ…”. Chuyện sướng khổ bà Thu chấp nhận được, nhưng những điều tiếng phát sinh từ việc chăm sóc cụ Mịch thì đôi lúc cũng khiến bà phiền lòng. “Cũng có nói ra nói vào là chắc vì tiền, vì đất đai gì của cụ Mịch mà tôi mới làm vậy. Nghĩ cũng buồn nhưng tôi để ngoài tai thôi. Nếu không vì cái tâm thì tôi hay ai đều không làm được. Kể cả nghĩ làm để lấy phước thì đã không thể rồi” - bà Thu chia sẻ.

Căn phòng nhỏ phía cuối ngôi nhà bà Thu là nơi ở của cụ Mịch. Không rộng rãi, tiện nghi nhưng ở đó có đủ hơi ấm của một gia đình để cụ sống những ngày cuối đời bớt cô quạnh…

VINH ANH