Tam Kỳ nỗ lực ngăn ngừa lao động trẻ em
Trước nguy cơ trẻ em lao động sớm cũng như bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi, các cấp chính quyền TP.Tam Kỳ đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để ngăn ngừa tình trạng này.
Tại xã Tam Thanh những năm gần đây, cùng với sự phát triển của du lịch thì các hoạt động, kinh doanh buôn bán, dịch vụ ra đời đã thu hút sự tham gia của lao động địa phương, trong đó có trẻ em. Trước thực trạng này, địa phương đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền và thành lập các tổ vận động ở các thôn để vận động, giải thích giúp người dân hiểu rõ về quy định của pháp luật đối với lao động trẻ em và những tác hại của việc lao động nặng nhọc đối với sự phát triển của trẻ. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực và sự hỗ trợ của người dân địa phương để giúp đỡ các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Hồng Lực – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, trước kia trên địa bàn xã có gần 20 trường hợp trẻ em bán hàng rong tại các bãi tắm và điểm du lịch lân cận. Nhưng kể từ khi các tổ tuyên truyền ở các thôn ra đời, trên địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng bán hàng rong chèo kéo khách tại các điểm du lịch.
Những năm qua, TP.Tam Kỳ đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nhiều nguồn lực trong việc chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt là việc ngăn ngừa giảm thiểu lao động ở trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện. Trong đó, thành phố đã ban hành chương trình “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn TP.Tam Kỳ giai đoạn 2017 – 2020” với mục đích nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em trên địa bàn về lao động trẻ em; 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật được hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Ngoài ra, thành phố đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động ở trẻ em” tại xã Tam Thăng vào năm 2018, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Ông Trần Quốc Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng nói: “Thông qua mô hình này đã giúp chính quyền địa phương theo dõi, quản lý cơ sở dữ liệu về hộ gia đình tham gia làm chiếu cói tại thôn Thạch Tân và toàn bộ trẻ em tham gia phụ giúp gia đình trên địa bàn xã. Từ đó, triển khai các hoạt động trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề, phương tiện sinh kế để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Ông Nguyễn Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết, hằng năm thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về công tác phòng ngừa trẻ em bị xâm hại, bạo lực và giảm thiểu lao động trẻ em cho ban bảo vệ trẻ em và đội ngũ cộng tác viên các xã, phường. Đồng thời, có chính sách trợ giúp gia đình trẻ em là hộ nghèo về phương tiện sinh kế, vốn vay để phát triển kinh tế nhằm hạn chế trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, hỗ trợ trẻ em học nghề và tham gia lao động, cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của các em theo quy định của pháp luật. “Hiện nay trên địa bàn thành phố chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng trẻ em hoặc trẻ em lang thang xin ăn, bán vé số dạo, bán hàng rong. Nhưng để duy trì được công tác này trong thời gian tới, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền thành phố thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội nhằm góp phần phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động sớm cũng như lợi dụng trẻ em để trục lợi” - ông Ba nói.