Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Tây Giang
Tuyên truyền để đồng bào vùng cao hiểu và tham gia chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện không dễ dàng. Đến tận nơi, giải thích cặn kẽ cho từng người là cách BHXH và Bưu điện huyện Tây Giang đang thực hiện.
Tuyên truyền tận nơi
Buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện được BHXH và Bưu điện huyện Tây Giang phối hợp tổ chức tại gươl trung tâm xã Dang. 55 người dân ở những thôn gần trung tâm xã đã đến nghe tuyên truyền chính sách. Chị Bnước Vưới (thôn Alua, xã Dang) đến khá sớm, chia sẻ: “Mình làm ở Chi hội phụ nữ thôn nên đi nghe để trao đổi với phụ nữ trong thôn. Mình có biết đến chính sách này, nhưng nay được trực tiếp tư vấn nên hiểu rõ hơn về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Ở nhà mình có nuôi 4 con heo, 2 con bò, 2 con dê sinh sản, làm lúa, làm sắn... thu nhập mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, mình quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 181.000 đồng/tháng”.
Trong 55 người tham gia buổi tuyên truyền, có 32 người chọn tham gia BHXH tự nguyện tại chỗ. Như chị Alăng Thị Đào (thôn Axur, xã Dang) vừa học xong trung cấp công nghệ thông tin, về lại quê chưa có việc làm. Chị ở nhà làm rẫy, chăn nuôi, chồng làm ở UBND xã Dang nên nguồn thu nhập ổn định. Chị Đào chọn tham gia BHXH tự nguyện vì chị nghĩ: “Tôi thấy việc tham gia BHXH tự nguyện sau này được hưởng lương hưu sẽ không làm phiền con cháu nên rất tốt. Hiện tôi chưa có việc làm, sau này tìm được việc làm gì có tham gia BHXH bắt buộc thì tôi được cộng dồn vào nên không lo mất. Mỗi ngày tôi tiết kiệm 5.000 đồng, xem như bỏ ống tiết kiệm”.
Vận động còn khó
Ông Alăng Chiếc - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Axur (xã Dang) nói rằng, đối với miền núi, việc vận động người tham gia BHXH tự nguyện hết sức khó khăn. Ông Chiếc cho hay: “Mỗi lần có đợt tuyên truyền về chính sách BHXH tôi đều vận động người dân đến nghe nhưng số người tham gia không nhiều. Bản thân tôi đã tìm hiểu, đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, từ đó tuyên truyền lợi ích của chính sách đến người dân dễ dàng hơn. Bởi bà con ở vùng cao có tâm lý e ngại, sợ mất tiền cũng như quá trình nhận chế độ sau này. Sau khi được tuyên truyền viên giải thích cặn kẽ đây là chính sách của Nhà nước, bà con mới yên tâm, tin tưởng tham gia”.
Làm công tác trực tiếp vận động người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện, bà Bling Thị Brớp - nhân viên Bưu điện xã A Tiêng (huyện Tây Giang) hiểu rõ những khó khăn của người dân. “Tôi đi tuyên truyền vừa dùng tiếng Kinh, vừa dùng tiếng Cơ Tu để bà con dễ hiểu. Nhưng người dân không có kinh phí đóng, khi tuyên truyền họ hiểu và muốn tham gia nhưng không có tiền nên không tham gia được. Lúc đầu thực hiện, có đến vài trăm người đăng ký tham gia, tham gia ngay tại chỗ, nhưng vài tháng sau không có tiền đóng tiếp, họ đến BHXH xin rút không tham gia nữa. Tuyên truyền để người dân tiếp tục tham gia và tham gia mới luôn là vấn đề khó, chúng tôi phải kiên trì vận động, sâu sát từng trường hợp”.
Hai đơn vị BHXH và Bưu điện huyện Tây Giang đã tích cực phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH đến các xã. Ông Đinh Văn Thành - Giám đốc Bưu điện huyện Tây Giang cho biết: “Trước khi tuyên truyền chính sách đến người dân, chúng tôi tuyên truyền cho những già làng, trưởng bản, chi hội trưởng các hội đoàn thể ở thôn trước. Những người này hiểu chính sách thì tuyên truyền lại cho người dân dễ hơn. Khi tuyên truyền, nhân viên là người đồng bào dân tộc thiểu số của Bưu điện sẽ được huy động tối đa, để người dân dễ nghe, dễ hiểu khi nói bằng tiếng Cơ Tu. Chỉ tiêu của huyện năm nay là 300 người tham gia BHXH tự nguyện, rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, được chừng nào hay chừng đó. Đối tượng được tuyên truyền sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm có nguồn thu nhập ổn định, nhóm tiểu thương, người dân sống ở trung tâm huyện..., vì họ có điều kiện tốt nên tham gia dễ hơn”.