Nhiều khu tái định cư thiếu nước sinh hoạt
Hàng trăm hộ dân sống ở các khu tái định cư (TĐC) Tĩnh Yên xã Duy Thu (Duy Xuyên), Gò Dinh, Gò Hiu xã Đại Hưng, Đại Lãnh (Đại Lộc) dù đã an cư tại nơi ở mới, song đời sống vẫn còn gặp khó khăn, nhất là thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt hằng ngày.
Năm năm qua, hơn 50 hộ dân thôn Tĩnh Yên, xã Duy Thu được sắp xếp vào khu TĐC Tĩnh Yên từ chính sách giãn dân của tỉnh và huyện Duy Xuyên. Dù đã an cư, xây dựng nhà cửa ổn định tại nơi ở mới, song hàng chục hộ dân TĐC vẫn thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Nhiều tháng qua, công trình cấp nước sinh hoạt của khu TĐC liên tục bị hư hỏng nặng, gây gián đoạn việc cấp nước. Nhất là giữa thời điểm nắng nóng kéo dài, việc thiếu nước uống, nước sinh hoạt nghiêm trọng khiến mấy chục nhà dân điêu đứng. Ông Nguyễn Đình Tường (tổ 14, khu TĐC thôn Tĩnh Yên) cho biết: “Công trình cấp nước ở đây gặp sự cố miết. Cứ một hai tháng lại hư một lần, mỗi lần hư kéo dài từ nửa tháng tới cả tháng. Cả nửa tháng nay, người dân ở đây không ai có nước để sử dụng. Tôi phải đi xin nước ở các hộ đóng giếng, xách từng xô nước mỗi ngày. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm khắc phục tình hình này cho người dân đỡ khổ”.
Bà Phạm Thị Hào, một người dân thôn Tĩnh Yên cho biết thêm, trước kia, công trình cấp nước ở thôn do UBND xã Duy Thu quản lý, sau đó bàn giao lại cho cộng đồng thôn. Gia đình bà Hào đại diện chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước trên. Tuy nhiên, hoạt động từ năm 2015 tới nay thì công trình bị hư hỏng nhiều lần. “Máy móc của công trình cấp nước thường xuyên bị hư hỏng cũng bởi nguồn nước ở đây bị phèn nặng. Có tháng máy bị hư tới mấy lần, mỗi lần sửa rất tốn kém, mất vài triệu đồng. Trong khi đó, nguồn thu tiền nước từ người dân lại không đủ để duy trì, sửa chữa, trả tiền điện. Nhiều lúc gia đình tôi phải bỏ tiền túi tự sửa máy nhưng nếu kéo dài vậy thì tôi cũng chẳng biết lấy đâu ra” - bà Hào nói. Ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Duy Thu cho biết, nguồn nước ở thôn Tĩnh Yên nhiễm phèn vàng, phèn đỏ rất nặng, nước ngầm lại không đảm bảo, nhiều nhà phải khoan giếng từ 30 - 60m mới có nước sử dụng nhưng phải qua lọc kỹ. Hiện cả xã Duy Thu đều thiếu nước, công trình cấp nước thôn Phú Đa 1 và Phú Đa 2 thường xuyên bị thiếu hụt, khu TĐC thôn Tĩnh Yên cũng bị thiếu nghiêm trọng. Hiện xã không có kinh phí để sửa chữa, tu bổ máy móc hay nâng cấp công trình cấp nước nên đã kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ, giải quyết.
Tại xã Đại Hưng và Đại Lãnh (Đại Lộc), hơn 80 hộ dân sinh sống tại các khu TĐC Gò Dinh, Gò Hiu cũng gặp khó về nguồn nước uống, nước sinh hoạt. Bà Lê Thị Bảy, một người dân khu TĐC Gò Dinh cho hay, nước ăn uống, sinh hoạt ở khu TĐC Gò Dinh rất khó khăn bởi khu vực này nước bị nhiễm phèn nặng. Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung lâu nay không phát huy hiệu quả do thường xuyên bị hư hại. Một số hộ dù đã bỏ tiền đóng giếng nhưng nguồn nước vẫn kém chất lượng nên chỉ dám sử dụng nước này lọc thô để sinh hoạt, còn lại đa phần uống nước bình. “Mấy tháng qua, cứ 2 ngày hết một bình nước, mỗi tháng gia đình tôi tốn một khoản lớn tiền để mua nước uống. Còn nước sinh hoạt thì không đủ dùng, phải đi xin. Có một số giếng nguồn không đủ để mà lọc. Khi công trình cấp nước đắp chiếu cả tháng là y như cả tháng đó tôi phải về làng cũ chở nước mỗi ngày” - bà Bảy kể. Ông Nguyễn Công Hiền (khu TĐC Gò Dinh) cho rằng, sở dĩ công trình cấp nước hư hỏng liên tục là do nguồn nước quá phèn, một phần vì công suất cấp nước quá nhỏ, không đủ sử dụng cho mấy chục nhà dân. “Ai đi xe được còn đỡ. Người già phải đi bộ gánh nước rất khổ. Phải tiết kiệm hết cỡ việc tắm giặt vì không đủ nước” - ông Hiền nói. Ông Hiền phải bấm bụng bỏ tiền ra xây một bể lọc nước và một bể dự trữ nước mưa. Song, ở khu TĐC này không phải ai cũng có điều kiện đầu tư như ông Hiền, nhất là những gia đình có người già neo đơn, đối tượng chính sách.
Tại Khu TĐC Gò Hiu (Đại Lãnh), hàng chục hộ dân được bố trí TĐC vì bị ảnh hưởng bởi sạt lở ven sông Vu Gia. Mấy năm qua, bức thiết nhất vẫn là chuyện nước uống, nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Hồng (người dân TĐC Gò Hiu) tâm sự, mấy năm ở đây, nhiều hộ đã bám trụ được rồi. Nhưng phần lớn các hộ dân, mùa nắng thì trở về làng cũ ở để tiện làm ăn, trồng vườn, chăn nuôi chứ ở đây không biết làm gì. Cứ mỗi khi mưa lũ về thì họ lên đây ở tránh trú lụt bão. “Hiện, cuộc sống ở đây coi như tạm ổn rồi nhưng khó nhất vẫn là chuyện nước sinh hoạt. Khu TĐC này chưa được hỗ trợ công trình cấp nước. Một số hộ được Nhà nước hỗ trợ đóng giếng nhưng nguồn nước phèn nặng, nhiều giếng đào xong rồi bỏ. Nước ở đây đục như nước cơm, có chỗ đỏ ngầu. Nhà tôi phải bỏ tiền xây bể lọc thô để lọc sơ sinh hoạt, ăn uống thì 100% nước bình. Tôi cũng muốn mua 1 bình lọc để tiện hơn nhưng vì khó khăn nên chịu” - bà Hồng nói.