Việt kiều Mỹ gửi bản đồ chứng minh Trung Quốc không có chủ quyền ở Hoàng Sa
(QNO) - Kỹ sư (KS) Trần Thắng, một Việt kiều sống tại tiểu bang Connecticut (Mỹ) vừa gửi cho Lao Động một email ngắn gọn: "Tôi gửi 34 bản đồ tiêu biểu trong số 100 bản đồ cổ, minh chứng Trung Quốc chưa từng có chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa. Hy vọng Báo Lao Độngđăng dịp này để nhiều người được tiếp cận...".
Thư ngắn gọn, nhưng ẩn chứa nỗi lòng khắc khoải hướng về quê hương của người Việt kiều - tri thức trẻ này. KS cơ khí Trần Thắng, 47 tuổi, là cháu ngoại của nhà thơ Tế Hanh - quê Quảng Ngãi. Năm 1991, ông Thắng cùng gia đình sang Mỹ định cư, làm việc tại Công ty Sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 1999. Ông cũng là sáng lập viên, Chủ tịch Viện Văn hóa & giáo dục Việt Nam tại New York.
KS Thắng là người đã sưu tầm, tặng hơn 100 bản đồ và 3 sách Atlas cổ về Biển Đông, Trung Quốc và hàng hải vùng Đông Nam Á, minh chứng Trung Quốc chưa từng có chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa cho TP.Đà Nẵng từ năm 2012.
KS Thắng cho biết, hầu hết các bản đồ cổ là độc bản. Trong đó có 70 bản đồ lãnh thổ Trung Quốc, 15 bản đồ vẽ Hoàng Sa nằm sát bờ biển Việt Nam, 15 bản đồ khu vực Đông Dương hay Đông Nam Á, và 2 sách toàn đồ chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo ông Thắng, các bản đồ cổ và sách toàn đồ của Chính phủ Trung Quốc nói lên tính lịch sử và tính pháp lý rất cao. "Bảy mươi bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đã chỉ rõ miền Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 15 bản đồ vẽ Hoàng Sa nằm sát bờ biển Việt Nam. Tại sao người Tây phương không vẽ Paracels (Hoàng Sa) nằm sát Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Brunei, mà lại vẽ nằm sát Việt Nam? Là vì từ Paracels đến bờ biển của An Nam gần so với các nước khác và trên đảo Paracels có người An Nam sinh sống nên người Tây phương cho rằng đảo này thuộc về An Nam" - ông Thắng giải thích.
Giáo sư sử học Phan Huy Lê nhận xét, bộ sưu tập của KS Trần Thắng dù có một số chưa xác định đầy đủ xuất xứ, nhưng đều rất quý, phong phú hơn những bộ sưu tập về bản đồ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa trước đây. Giáo sư Phan Huy Lê đã viết thư cảm ơn ông Thắng. "Ý nghĩa của những tấm bản đồ này gắn liền với tính lịch sử và pháp lý. Đặc biệt, những tấm bản đồ của Trung Quốc đến năm 1933 cho thấy thời điểm đó chính quyền Bắc Kinh không có nhận thức về về lãnh thổ phía nam, tất cả bản đồ đều ghi rõ lãnh thổ của Trung Quốc kéo dài đến đảo Hải Nam. Trong khi đó, những tấm bản đồ của thế giới vẽ châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam đều chỉ rõ Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với Việt Nam" - giáo sư Phan Huy Lê viết.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tặng Bằng khen cho KS Thắng vì nghĩa cử tốt đẹp, hướng về Tổ quốc của ông.
Hiện, số bản đồ này được lưu trữ, trưng bày giới thiệu ở các bảo tàng, Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, số người tiếp cận không được nhiều. Lao Động xin giới thiệu một số bản đồ tiêu biểu do KS Trần Thắng cung cấp:
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông ở Đại học New South Wales (Úc) nhận xét: "Bộ sưu tập bản đồ của KS Trần Thắng cho thấy những mâu thuẫn trong tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo tranh chấp".
Ba bộ sách - Atlas do KS Trần Thắng sưu tập, minh chứng Trung Quốc chưa từng có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện 3 bộ atlas này đã được tặng cho Đà Nẵng.