Đôi điều về Ngày hội văn hóa Đại Bình

MẠC LY 27/08/2019 11:21

Ngày hội Văn hóa làng Đại Bình, xã Quế Trung, Nông Sơn đã trôi qua, nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong từng ngõ xóm đường quê, kể cả trong lòng du khách về những điều được và chưa được.

Một góc không gian Ngày hội Văn hóa Đại Bình. Ảnh: L.V
Một góc không gian Ngày hội Văn hóa Đại Bình. Ảnh: L.V

Sáng bừng ký ức

Lần đầu tiên Đại Bình mới có một ngày hội lớn như năm nay, kéo dài từ ngày 16 đến ngày 18.8. Đó là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo huyện Nông Sơn và chính quyền địa phương. Ngày hội không chỉ nhằm mục đích quảng bá nét đẹp văn hóa của một làng quê, phát triển du lịch, mà còn giúp người dân ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, nhất là hướng phát triển mảnh đất vốn được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi. 

Không gian rộng rãi của sân bóng Đại Bình ưu tiên cho ngày hội văn hóa. Từng gian hàng được bày biện: ẩm thực dân gian, câu lạc bộ phong lan Nông Sơn, trầm hương Nông Sơn, thư pháp Thanh niên, đặc sản trái cây Đại Bình... Nhưng riêng tôi, ấn tượng nhất trong ngày hội Văn hóa vừa qua là gian trưng bày vật dụng của người nông dân Đại Bình từ những thế kỷ trước, mang tên “Ký ức Đại Bình”. Ai từng sống nơi đây, cùng đếm con nước lên với bao mùa mưa lũ, cùng thăng trầm với lịch sử một làng quê, khi nhìn vào những hiện vật, những nồi đồng đủ cỡ, chiếc ghe nan nhỏ…, ta cảm thấy như có một điều gì đó thiêng liêng chạm vào ký ức. Từng cái gáo múc nước làm thủ công, từng cái đăng, cái đó, cái nôm; từng cái chén, cái đĩa, cái ang đong gạo, kể cả đôi bầu chất đường một thuở trên vai trĩu nặng xuyên rừng xuống biển… Nếu không có ngày hội văn hóa làng quê, những hiện vật này sẽ chìm vào ký ức, chúng mãi mãi ẩn mình trong một góc khuất nào của căn nhà, mảnh vườn...

Tiềm năng chưa khai thác

Tuy nhiên còn nhiều nét văn hóa giá trị để khẳng định sức sống của một làng quê mà Đại Bình chưa phát huy hết. Cây đa, bến nước, con đò biểu tượng cho vẻ đẹp làng quê, Đại Bình đã có. Giếng làng cũng được phục hồi. Dọc triền sông Thu ít có bến nước nào ấn tượng như bến Đại Bình. Bãi cát rộng thênh thu vào tầm mắt du khách ngọn núi Cà Tang soi mình bóng nước. Kể cả ngọn núi Chúa sừng sững lưng chừng trời ở Sơn Viên cũng nhìn rõ mồn một. Hay rừng cấm hơn 8ha có nhiều gỗ quý dân làng giữ gìn bao đời, chưa được phát huy trong mùa lễ hội.

Đặc biệt ở Đại Bình còn có một vị trí lịch sử quan trọng ở cuối làng. Thời chống chiến chống Pháp, chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu từng đặt cây súng thần công ở đây để ngăn chặn sự tấn công bất ngờ của địch, đồng thời bảo vệ căn cứ địa của nghĩa quân. Ký ức vàng son đó, nếu có thể được, cần phục hồi di tích để làm phong phú thêm văn hóa làng quê...

Đôi điều trăn trở

Đến với lễ hội văn hóa làng quê, phần lớn du khách không chỉ tham quan, mà còn mong muốn thưởng thức hương vị cây trái Đại Bình. Vượt qua chặng đường dài, họ muốn nhìn thấy chùm lòn bon chen chúc nhau bám chặt trên cây. Trái sầu riêng gai góc lủng lẳng trên cành. Và cả những trái trụ, trái bưởi da xanh, quả hường, cố vươn mình nhưng chỉ rúc rích trong vòm lá. Còn trong ngày hội quảng bá văn hóa năm nay, mục đích của du khách không đạt được. Bởi lẽ năm nay hạn hán, đồng khô, cỏ cháy. Làng quê không chỉ mất mùa lúa mà mất luôn mùa trái cây. Vị ngọt của lòn bon đã gửi lại mùa xuân tự khi nào, kể cả sầu riêng cũng không ngoại lệ. Nên đến mùa chính, cây không kịp ra quả là lẽ đương nhiên.

Lần đầu tiên quảng bá làng văn hóa, Ban lãnh đạo huyện Nông sơn và địa phương không lường trước được lượng khách nhiều đến thế. Theo ông Nguyễn Đình Bá - Trưởng thôn Đại Bình, trong 3 ngày mà làng đón  khoảng 17 nghìn lượt người, trong khi dự kiến chỉ khoảng 2 nghìn người. Do số người quá đông, địa phương bỡ ngỡ trong bước đầu làm du lịch nên không phát huy được chức năng du lịch cộng đồng, không đủ người hướng dẫn, khách phải tham quan tự phát nên không biết điểm đến. Khách cũng không có trái cây để mua làm quà; không gian ẩm thực không đủ phục vụ. Kể cả du thuyền trên sông theo kế hoạch cũng chưa thực hiện được vì hạn hán và đúng mùa nước cạn. Có đoạn sông, du khách phải xuống thuyền cùng nhau đẩy, rất khó khăn mới có thể vượt qua…

Do những nguyên nhân khách quan đó, mà ngày hội còn nhiều thiếu sót, du khách chưa vui lòng sau một chuyến đi. Nếu như lãnh đạo huyện chọn một thời điểm khác có vụ mùa bội thu thì việc quảng bá sẽ thành công hơn. Đặc sản trái cây Đại Bình chỉ là một khía cạnh nhỏ của nét văn hóa làng quê vượt thời gian này, nhưng không thể phủ nhận nó rất quan trọng, bởi đó là điểm nhấn, đón chờ bước chân du khách.

MẠC LY