Nóng, lạnh rừng dừa
Hôm nay 20.8, Đoàn kiểm tra liên ngành xã Cẩm Thanh và Ban quản lý du lịch Cẩm Thanh (TP.Hội An) bắt đầu lập biên bản, xử lý nghiêm các trường hợp phá hoại tài nguyên rừng dừa nước Bảy Mẫu… sau gần 1 tuần “kiểm tra nhắc nhở”.
Sáng qua 19.8, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hội An, cho hay trong phiên giao ban đầu tuần cũng đã yêu cầu phải triển khai chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy một cách quyết liệt, để bảo vệ rừng dừa nước. Xã Cẩm Thanh chịu trách nhiệm “tổng vệ sinh” những khoảnh dừa nhếch nhác…
Chuyện gì đang xảy ra với Di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu, khiến chính quyền địa phương phải nhiều lần “quyết liệt xử lý” đến như vậy?
Thì ra, đang có tình trạng bẻ đọt dừa nước, dùng lá để làm quà lưu niệm cho khách hay chặt dừa để trang trí thuyền thúng, ngắt lá dừa, chặt bỏ tán dừa bừa bãi… Địa phương nêu rõ, có thể áp dụng xử phạt hành chính theo Nghị định 35/2019 của Chính phủ (về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp). Thậm chí còn “hướng dẫn” chi tiết về hoàn cảnh phát hiện: vi phạm trên đường bộ (lập biên bản xử lý tại chỗ, tịch thu tang vật) và trên sông (xử lý vi phạm hành chính, tạm dừng hoạt động vận chuyển thuyền thúng).
Rõ ràng, điểm đến rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ “nóng” quá mức cần thiết mà còn vượt khỏi những dự lường của địa phương. Ban đầu, TP.Hội An chỉ tính thu vài tỷ đồng tiền vé tham quan mỗi năm, nhưng 6 tháng đầu năm 2019 đã thu xấp xỉ 15 tỷ đồng. “Tiền nhiều để làm gì?” đang là câu hỏi khó chịu đối với du lịch sông nước Cẩm Thanh. Khách đổ về đông, tiền vé và các dịch vụ khác cũng “chuyển động” theo; nhưng lại nảy nòi chuyện phá rừng dừa làm nhà hàng, loa công suất lớn phát ầm ĩ, dịch vụ chui… Nay lại thêm nạn chặt phá dừa làm vật trang trí.
Tuy nhiên, như chia sẻ của một vị cán bộ lãnh đạo TP.Hội An, địa phương vẫn đang chọn một cách ứng xử khả dĩ. Bảo vệ rừng dừa và “nắn” du lịch sông nước vào khuôn khổ là đúng rồi, nhưng cũng không quá cứng nhắc. Từ khoảng 80 chiếc loa công suất, địa phương “gom” lại chừng 15 chiếc, xem như bớt một phần tiếng động. Mặc dầu vậy, với dòng khách Hàn Quốc (và Trung Quốc) đang theo tour khám phá rừng dừa nước bằng thuyền thúng và xem ngư dân biểu diễn lắc thúng chai, họ thích náo nhiệt. Mỗi ngày có khi khu vực sông nước Cẩm Thanh đón hàng ngàn lượt khách. Thành ra, cấm tiệt thì khách sẽ rút hết, đành phải cân đối qua lại, thí dụ cho mở loa khi thuyền ra giữa sông…
Với du lịch, “sản phẩm nào dòng khách đó” quả không sai. Có điều, một điểm đến đâu chỉ dành riêng cho du lịch? Còn đó câu chuyện bảo tồn đa dạng sinh học, sinh kế người dân, phát triển bền vững… Tức là cần chút “lạnh” trong quản lý để quân bình độ “nóng” của điểm đến, nếu như muốn điểm đến ấy không sớm bị tàn lụi. Liệu Hội An có làm được?