Ngành y hướng đến giảm rác thải nhựa

XUÂN HIỀN 24/08/2019 11:05

Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế” diễn ra hôm 16.8 đã cho thấy quyết tâm tham gia bảo vệ môi trường của ngành y.

Một số sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa được sử dụng trong ngành y tế. Ảnh: X.H
Một số sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa được sử dụng trong ngành y tế. Ảnh: X.H

Chất thải y tế ngày càng tăng

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa. Chỉ riêng lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước đã tới khoảng 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại ngày càng gia tăng ở hầu hết địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao...

Chất thải nhựa trong lĩnh vực y tế phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày).

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, trong ngành y tế, lý do các sản phẩm nhựa dùng một lần tăng cao vì đảm bảo hoạt động chuyên môn. Trong đó, có nhiều sản phẩm khó thay thế như bơm kim tiêm dùng 1 lần, dụng cụ thiết bị dùng 1 lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm... đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.

Nỗ lực giảm thiểu

Ký cam kết thực hiện giảm chất thải nhựa

Bộ Y tế vừa ra Chỉ thị số 08 về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế. Theo đó, các bệnh viện, khoa, phòng sẽ phải ký cam kết về thực hiện giảm chất thải nhựa, triệt để phân loại chất thải nhựa để tái chế, đưa tiêu chí giảm chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị, truyền thông, hướng dẫn nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa... Lần này, Bộ Y tế hướng tới việc đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa để đánh giá bệnh viện xanh, sạch, đẹp. Tại hội nghị trực tuyến, ở đầu cầu Quảng Nam, đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế đã ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị trong thời gian tới.

Tại Quảng Nam, không loại trừ hiện trạng rác thải nhựa trong y tế ngày càng gia tăng, vì gia tăng số lượng đơn vị y tế tư nhân cũng như việc mở rộng phục vụ nhu cầu người bệnh từ các cơ sở y tế công lập. Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ nhiều năm nay, Sở Y tế nỗ lực để tổ chức phân loại chất thải y tế tại nguồn, trong đó, vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa nằm trong kế hoạch hàng năm của sở.

Theo ông Văn, tại một số địa phương, các cơ sở y tế đã tổ chức những hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở, nhiều đơn vị đã có các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Y tế phát động. Tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tư nhân hoặc một số cơ sở y tế đã tổ chức thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa bằng cách tổ chức phân loại rác thải tại đơn vị, thực hiện nghiêm túc chính sách giảm thiểu chất thải quy định tại các văn bản liên quan đến quản lý chất thải y tế. Trong đó, việc giảm thiểu phát sinh chất thải được thực hiện bằng nhiều biện pháp như ưu tiên chọn sản phẩm ít phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động phát thải không cần thiết, tuân thủ nguyên tắc 3R bao gồm giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế.

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, từ năm 2015 đã bắt đầu áp dụng mô hình “5S” trong quản lý, tạo ra môi trường làm việc có chất lượng. Đại diện Ban Giám đốc bệnh viện chia sẻ, mô hình này nhằm giúp nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, nhân viên y tế; đặc biệt là người bệnh và người nhà giữ gìn vệ sinh, cảnh quan bệnh viện để môi trường này luôn “xanh - sạch - đẹp”, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Mô hình “5S” trong cải tiến chất lượng là “sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng”, giúp nơi làm việc được tổ chức tốt, giúp làm giảm sai sót và chi phí giúp ích trong việc cải thiện chất lượng, nâng cao hiệu quả công việc và mức độ an toàn. 5S là một phần đóng góp cho việc thực hiện phong trào bệnh viện xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng với người bệnh.

XUÂN HIỀN