Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ III: Tôn vinh những sáng tạo

LÊ QUÂN 23/08/2019 08:58

Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ 3 (2014 - 2018) bước vào chặng cuối khi việc tổ chức chấm chọn đã hoàn thành. Theo ban tổ chức, các tác phẩm dự giải lần này khá đa dạng về đề tài, thể tài cũng như cách thể hiện...

Các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc phản ánh về đất và người Quảng Nam sẽ được lựa chọn để trao Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần III.
Các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc phản ánh về đất và người Quảng Nam sẽ được lựa chọn để trao Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần III.

Ca ngợi quê hương xứ Quảng

Với tổng số đến 163 tác phẩm dự giải ở 8 loại hình (văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, VHNT các dân tộc thiểu số, âm nhạc, văn nghệ dân gian), ban tổ chức đã chọn lựa vào chung khảo 140 tác phẩm của 108 tác giả, nhóm tác giả. Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT chia sẻ, các tác phẩm tham gia giải lần này đều phù hợp với các tiêu chí của giải. Đa số tác phẩm xoay quanh đề tài về đất và người Quảng Nam, lịch sử chiến tranh cách mạng và đời sống nhân dân từ miền núi đến vùng đồng bằng, ven biển, hải đảo. “Trong đó, âm nhạc là một trong những ngành phản ánh khá toàn diện và bao quát về vẻ đẹp của các địa danh tại Quảng Nam, tấm lòng của người dân với quê hương, thế mạnh của vùng đất... Nhiếp ảnh hay mỹ thuật đều có những bộ ảnh hay tác phẩm ghi lại đậm nét vùng đất, con người Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng. Các tác phẩm được khai thác bằng các hình thức thể hiện mới mẻ, phù hợp với bản sắc và văn hóa đời sống của Quảng Nam” - ông Nguyễn Hoàng Bích nói.

“Vào hội 2” - tác phẩm tham dự giải thưởng VHNT Đất Quảng lần III của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm.
“Vào hội 2” - tác phẩm tham dự giải thưởng VHNT Đất Quảng lần III của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm.

Lựa chọn một tác phẩm khá tâm đắc trong chặng đường 4 năm sáng tạo vừa qua để dự giải, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm cho biết: “Tôi lâu nay luôn tập trung về văn hóa Quảng Nam, luôn tâm niệm tác phẩm của mình sẽ xoay quanh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nhạc cụ. Tác phẩm mình làm ra luôn phải chứa trong đó một nội dung nhất định liên quan đến văn hóa truyền thống. Tôi đang làm một bộ tác phẩm xoay quanh nhạc cụ trong văn hóa các huyện miền núi của Quảng Nam với chủ đề Vào hội. Bây giờ đã đến Vào hội 4. Những tác phẩm này sẽ dựa trên sự phát triển những nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số Quảng Nam”. Tác phẩm dự giải lần này của anh mang tên Vào hội 2, với nội dung biểu đạt về nghệ thuật cồng chiêng của người miền núi, bằng hình thức điêu khắc gỗ, kế thừa từ nghệ thuật tượng gỗ của đồng bào Cơ Tu.

Mặt bằng chung khá tốt

NSNA Phạm Văn Tí - Giám khảo của loại hình Nhiếp ảnh chia sẻ, do quy định của ban tổ chức, các tác phẩm đã đạt giải thưởng từ cấp quốc gia và khu vực sẽ không được dự Giải thưởng VHNT Đất Quảng. “Tôi lấy làm tiếc vì điều này. Tôi thường quan sát hoạt động nghệ thuật của anh em nhiếp ảnh Quảng Nam và được biết anh em có rất nhiều tác phẩm xuất sắc được công nhận ở các cuộc thi khu vực, quốc gia, nhưng do quy chế thì các tác phẩm này không được tham dự. Đây là điều rất đáng tiếc. Chính vì vậy, trong hội đồng chấm giải đều cho rằng, mặt bằng chung thì các tác phẩm ảnh đều khá tốt, nhưng nói để nổi trội, xuất sắc để trao một giải A thì không có” - NSNA Phạm Văn Tí nói.

Năm nay, số lượng tác phẩm nhiếp ảnh vào chung khảo có 30 tác phẩm của 12 tác giả, nhóm tác giả. Theo NSNA Phạm Văn Tí, đề tài các tác phẩm thể hiện khá đa dạng mảng hình về đất và người Quảng Nam, đặc biệt ở các mảng như dân tộc thiểu số, cảnh quan và nhất là mảng phát triển du lịch của Quảng Nam được thể hiện rất tốt. “Năng lực của anh em nhiếp ảnh Quảng Nam rất tốt, đặc biệt là lực lượng trẻ. Họ có nhiều cố gắng để sáng tạo. Tôi hy vọng anh em phát huy tốt hơn năng lực của mình, đi sâu vào đời sống người dân để phát hiện hình ảnh và phục vụ quê hương đất nước” - NSNA Phạm Văn Tí chia sẻ thêm.

Còn ở lĩnh vực sân khấu, nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Hùng cho biết, chỉ có vở kịch Trái tim đàn bà lọt vào chung khảo. “Về số lượng như vậy thì quá ít. Tác phẩm này được thực hiện bởi nhóm tác giả có tay nghề vững vàng, chất lượng nghệ thuật khá tốt, ekip từ sáng tác, đạo diễn đến diễn viên đều có chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề nêu trong vở kịch là phòng chống ma túy, đây là vấn đề của cả nước chứ không phải riêng của Quảng Nam. Vở kịch khá tốt nhưng tính chất, bản sắc Quảng Nam lại mờ nhạt nên không được đánh giá cao” - ông Huỳnh Hùng nói.

Với mảng điện ảnh, ở thể loại phim tài liệu, năm nay có 12 tác phẩm tham gia, theo ban giám khảo, lần này các tác giả ở Quảng Nam đã đầu tư cho phim tài liệu khá tốt, khá công phu. “Nhiều tác giả vào Nam ra Bắc, gặp gỡ các nhân vật, nhân chứng để tìm hiểu vấn đề một cách cặn kẽ, sát thực tế. Về chủ đề, tất cả phim tài liệu đều gắn với mảnh đất và con người Quảng Nam, phim có sự đầu tư, gia công khá kỹ lưỡng nên nhìn chung khá chất lượng. Kỹ thuật làm phim cũng được nâng lên, tính chân thực được đề cao” - Nghệ sĩ nhân dân  Huỳnh Hùng nói thêm. Tuy nhiên, theo ông, điều hạn chế là các phim tài liệu ở Quảng Nam không dám mở rộng đề tài, hầu hết đều xoay quanh chủ đề danh nhân hoặc kháng chiến cách mạng; những vấn đề thực tế cuộc sống đang đặt ra như xây dựng nông thôn mới, chống tiêu cực lại khá mờ nhạt. Mảng đề tài mới, hiện đại lại rất ít. Hội đồng giám khảo của loại hình điện ảnh cho rằng, phim tài liệu nhìn chung năm nay tiến bộ hơn, tay nghề lên hơn nhưng vì chưa mạnh dạn nêu ra các vấn đề của đời sống hiện đại nên chỉ mới dừng lại ở mức độ khá tốt, chưa có tác phẩm xuất sắc.

Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, mặt bằng chung của phần lớn tác phẩm đều có nội dung tốt, phản ánh được văn hóa, lịch sử cũng như những biến chuyển của vùng đất Quảng Nam... bằng ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật. Dự kiến đến tháng 9 này, Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ III sẽ chính thức công bố, trao thưởng.

LÊ QUÂN