Thérèse Nguyễn Văn Ký: "Cầu nối" y khoa Pháp - Việt
Thérèse Nguyễn Văn Ký là người phụ nữ Việt Nam hiếm hoi vinh dự được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Quốc công hạng Ba nhằm ghi nhận những đóng góp của bà trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi giữa hai nước Việt - Pháp trong lĩnh vực y khoa.
Huân chương Quốc công hạng Ba là danh dự lớn thứ ba sau Huân chương Bắc đẩu bội tinh và Huân chương Giải phóng của Chính phủ Pháp. Đặc biệt, bà Ký là người Việt duy nhất đến thời điểm này hoạt động trong lĩnh vực y khoa vinh dự được nhận Huân chương Quốc công hạng Ba. Đặc biệt hơn là bà Ký đã được trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất của Nhà nước Việt Nam, cùng nhiều bằng khen và kỷ niệm chương của các bộ, ngành và các địa phương.
Từ Pari (Pháp), bà Ký đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thú vị, bắt đầu từ việc bà làm cầu nối y khoa giữa hai đất nước Việt - Pháp.
* Mọi chuyện bắt đầu như thế nào, thưa bà?
Bà Ký: Chuyện bắt đầu từ năm 1976, khi Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng. Tôi lúc này đã là một bác sĩ có chút tiếng tăm tại Pháp đã cùng các cộng sự người Việt thành lập Hội Y học Việt Nam tại Pháp (AMVF). Và đến năm 1977, lần đầu tiên, AMVF tổ chức đoàn bác sĩ về nước nghiên cứu tình hình sau chiến tranh để tìm cách làm điều gì đó giúp đỡ người dân. Lúc đó cũng có rất nhiều hội đoàn được thành lập và tự tìm cách giúp Việt Nam, nhưng vì gặp phải nhiều khó khăn trong các vấn đề như thủ tục, liên lạc và tổ chức... nên đã đến tìm chúng tôi nhờ giúp đỡ. Bắt đầu là những giúp đỡ nhỏ như: xin visa, tìm đối tác trong nước, liên lạc, giới thiệu, tổ chức các chuyến đi tham quan, các hội thảo trong nước.
Tuy nhiên tôi luôn nghĩ rằng đây là những việc rất nhỏ và mình cần phải làm điều gì đó lớn hơn cho Việt Nam và phải có đối tác trong nước thì mới đi xa được. Và rồi cơ hội để làm điều lớn hơn cũng đến khi năm 1985, tôi được về nước dự lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng (1985) và gặp lại bác sĩ Dương Quang Trung – đàn anh của tôi, trước học trường Y Bordeaux (Pháp), lúc đó giữ chức Phó Giám đốc Sở Y Tế TP.Hồ Chí Minh. Và đến năm 1987, bác sĩ Trung lúc này đã lên giám đốc sở. Tôi gợi ý với anh là chúng tôi muốn mời anh sang Pháp gặp lại bạn bè, nối liên lạc... Chuyến đi đầu tiên của bác sĩ Trung rất thành công và cửa hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực y khoa được mở rộng từ đó.
Trong nước, lúc này chính quyền các cấp cũng hiểu được tình hình nên tạo mọi điều kiện cho tôi và cộng sự hoạt động dễ dàng. Và từ đó AMVF chính thức trở thành cầu nối Pháp - Việt. Bắt đầu là sự biết đến và vào cuộc của Bộ Y tế Pháp và các trường đại học y ở Paris, Bordeaux, Lyon...; các giáo sư đầu ngành, Sở Y tế thành phố Paris và nhiều bệnh viện có tên tuổi, các cơ sở sản xuất thuốc và dụng cụ y tế từ thông thường đến siêu âm, nha khoa, X-quang, tia xạ… để thực hiện các chương trình: thành lập viện tim TP.Hồ Chí Minh, trùng tu Bệnh viện Nhi Đồng Nai… Đặc biệt gần như năm nào, tôi cũng bỏ tiền túi để mua vé máy bay về nước làm từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo ở các vùng sâu, vùng xa trong cả nước…
Giáo sư André Gouazé - Tổng Giám đốc, Chủ tịch đồng thời là người sáng lập Hiệp hội quốc tế các Viện trưởng và các trường Đại học y khoa có sử dụng tiếng Pháp (CIDMEF), cũng là thầy dạy trước đây của bà Ký đã nhận xét rất thú vị về bà trong lễ trao Huân chương quốc công hạng Ba: “Bà Thérèse Nguyễn Văn Ký đã đóng góp rất nhiều vào việc tăng cường quan hệ bạn bè, tình đoàn kết giữa những đồng nghiệp trong ngành y của hai nước. Bà rất xứng đáng với danh hiệu cao quý này mà chỉ ít người có được”. Ông còn đầy ngưỡng mộ bảo: “Trong đầu bà Ký luôn có những kế hoạch hành động chứ không bao giờ có kế hoạch tiến thủ. Bà ấy chẳng bao giờ màng tới địa vị hay quyền chức. Ngoài nhiệt huyết, bà còn có nụ cười. Nụ cười chân thành. Nụ cười của Phật”.
* Thưa bà, bà có thể nói thêm về những nhận định này?
Bà Ký: Thật là khó nói. Tuy sống nhiều năm ở nước ngoài, nhưng tôi và các cộng sự rất hiểu và thông cảm với những khó khăn về thuốc men, dụng cụ y tế mà người dân trong nước đã và đang chịu đựng. Vậy nên việc này chưa xong thì trong đầu tôi đã nghĩ đến việc khác và luôn trong tâm trạng lo lắng vì sợ mình không đủ sức hoàn thành. Đã thế gặp cơ hội là tôi nắm ngay, không chần chừ. Có thể do đó mà thầy tôi đánh giá như thế chăng?
Về phần nụ cười, tôi xin phép không trả lời...
* Được biết bà rời Việt Nam đến Pháp từ năm 1950, lúc đó mới chỉ 19 tuổi. Và ở Pháp những ngày đầu, bà đã tham gia các phong trào yêu nước cùng những người bạn của mình. Xin bà cho biết rõ hơn về quãng thời gian này?
Bà Ký: Tôi tên thật là Thérèse Phan (bà có tên Pháp, mẹ bà người Công giáo). Nhưng người ta hay gọi là Thérèse Nguyễn Văn Ký vì gọi theo chồng tôi - bác sĩ Nguyễn Văn Ký. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình “con nhà” ở miền Nam, có cha là bác sĩ được Pháp đào tạo. Gia đình tôi sống theo kiểu Âu nhưng cha mẹ tôi không quên dạy chúng tôi về nữ công gia chánh và đức hạnh kiểu Nho giáo. Từ nhỏ tôi và các em luôn được dạy phải biết thương người, biết người trên kẻ dưới, không hiếp đáp ai và lễ phép với mọi người dù họ giàu hay nghèo hơn mình.
Đến năm 1949, lúc tôi tròn 19 tuổi, do tình hình trong nước thời điểm đó rất căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến việc học nên tôi được gia đình cho sang Pháp học y khoa với mong ước 10 năm sau, khi tốt nghiệp đại học y khoa sẽ trở về với gia đình để nối nghiệp ba tôi. Nhưng tình hình trong nước thời điểm đó không cho phép tôi trở về. Khi có thể về được thì tôi đã lấy chồng và có 3 con đang tuổi đi học, nên quyết định ở lại làm việc tại Pháp cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu và ở luôn bên này cho đến giờ.
Ở Pháp, cộng đồng người Việt luôn thân thương gọi bà là “chị Ký” nghe rất Việt Nam. Còn nhớ một người bạn của tôi đang học tập ở Bỉ và có mối liên hệ mật thiết với bà Ký, khi hay tôi hỏi thăm về bà đã không ngần ngừ nhận xét rằng: “Bà ấy tuy đã xa quê hương gần 60 năm, nhưng vẫn giữ được phong thái và cách sống của người Việt Nam. Bà ấy luôn tâm niệm lẽ sống ở đời mà người Việt Nam ta đã đúc kết trong hai câu châm ngôn “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “Uống nước nhớ nguồn”.
Bà Ký bảo “đây là 2 câu mà tôi đã dùng đến trong bài phát biểu lúc tôi nhận Huân chương Quốc công. Tôi là người Việt Nam, đất nước tôi là nước Việt Nam. Tuy sống bên này trên 65 năm, nhưng tôi vẫn thấy mình là người Việt Nam. Lúc nào tôi cũng có cảm giác ăn nhờ ở tạm, mặc dù tôi rất cám ơn nước Pháp và người Pháp đã quý mến, chấp nhận…”.
Trong hơn 50 năm qua, không chỉ với AMVF và lĩnh vực y khoa, bà Ký luôn là thành viên tích cực của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) trong các hoạt động hướng về nước nhà, ở nhiều cương vị khác nhau, trong đó có cương vị là chủ tịch hội. Nhưng bà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù năm nay đã… 89 tuổi! “Hiện giờ vì tuổi cao nên tôi chỉ cố vấn và giúp đỡ những việc hợp với khả năng và tuổi tác như tham gia chương trình nước sạch cho nông thôn, chương trình giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc màu da cam…” - bà Ký nói.
* Thưa bà, điều gì đã thôi thúc bà phải vất vả như vậy, trong khi đến tuổi này, bà có quyền chọn một cuộc sống và cách giúp đỡ khác, an nhàn hơn?
Bà Ký: Tôi luôn nghĩ mình may mắn hơn nhiều người khác là được đi học ở nước ngoài từ rất sớm. Và những năm tháng đó, trong lúc tôi được sống thoải mái về vật chất, được yên tịnh để học hành thì trong nước, có biết bao người cùng trang lứa đã hy sinh, thậm chí nhiều người còn chưa hưởng được chút thanh xuân nào. Vậy nên tôi thấy việc tôi làm cũng là lẽ thường, chẳng có gì to tát. Anh vừa nhắc đến sống an nhàn. Làm sao tôi có thể sống an nhàn được trong khi đồng bào mình trong nước nhiều người còn quá khổ và thiếu thốn mọi bề? Tôi sẽ còn hướng về đất nước mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng…
* Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện!