Cân đối sức chứa du lịch

QUỐC TUẤN 22/08/2019 12:40

Lượng du khách đến Quảng Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, nhưng lại không cân bằng giữa các điểm. Cần tùy vào đặc thù và hạ tầng phục vụ du lịch của từng nơi để cân đối, tính toán sức chứa hợp lý nhằm bảo vệ môi trường du lịch cũng như tăng chất lượng níu chân du khách.

Vài năm gần đây TP.Hội An đã khống chế lượng khách ra Cù Lao Chàm không quá 3.000 lượt/ngày để giảm sức ép lên hòn đảo. Ảnh: Q.T
Vài năm gần đây TP.Hội An đã khống chế lượng khách ra Cù Lao Chàm không quá 3.000 lượt/ngày để giảm sức ép lên hòn đảo. Ảnh: Q.T

Điều tiết điểm quá tải

Chớm chiều một ngày giữa tuần, trời vẫn còn nắng gắt nhưng khu vực xung quanh Chùa Cầu đã chật kín du khách vãn cảnh, chờ đợi được “check in” địa điểm nổi tiếng bậc nhất ở Đô thị cổ Hội An. Từ lâu, Chùa Cầu đã trở thành điểm tham quan không thể thiếu trong lịch trình ghé Hội An của mọi du khách nên vào thời điểm nào trong năm nơi này cũng “nêm kín” người. Theo Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh: “Trung bình mỗi ngày có hơn 4.000 lượt du khách tham quan địa điểm này, thậm chí thời điểm lên đến 5.000 lượt trong một không gian nhỏ mà lại thường tập trung vào một khung giờ nhất định nên sức ép lên Chùa Cầu rất lớn”.

Di tích được xem là biểu tượng của Hội An này vẫn đang mòn mỏi chờ ngày trùng tu dù vấn đề đã được đề cập ròng rã nhiều năm qua. Trong khi đó lượt du khách thưởng lãm Chùa Cầu thì vẫn đều đặn tăng lên hàng ngày. Việc điều tiết lượt khách lai vãng đã được địa phương tính đến trong thời gian qua nhưng sức chống chịu của di tích hơn 400 năm tuổi là có hạn. Chùa Cầu và không ít di tích khác ở phố Hội đang giúp cộng đồng, địa phương “hái ra tiền” nhưng cũng đang “oằn mình” vì quá tải.

Rời xa thành phố, đảo ngọc Cù Lao Chàm cũng đang đối diện với thách thức từ việc tăng trưởng nóng lượng khách du lịch. Chỉ trong vòng 4 năm (2011 - 2015) lượng khách đã tăng từ hơn 70 nghìn lượt/năm chạm mốc 400 nghìn lượt/năm khiến hòn đảo trở nên bí bách. Do đặc thù của du lịch biển đảo, lượng khách trên phần lớn chỉ tập trung ở khoảng 7 đến 8 tháng đầu năm khi thời tiết ổn định nên không gian cho du khách càng ngột ngạt hơn.

Từ sự khống chế của địa phương (không quá 3.000 lượt/ngày), 3 năm nay lượng khách đến Cù Lao Chàm đã được điều tiết và giảm nhẹ so với đỉnh điểm năm 2016. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Những năm tới thành phố sẽ tiếp tục khống chế lượng khách ổn định ở ngưỡng này dù nhu cầu của du khách là rất lớn. Bởi nếu thả nổi thì sẽ vượt khả năng cung ứng của hòn đảo”. Đáng nói ở chỗ là dù nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của khách ở Cù Lao Chàm ngày càng lớn nhưng giá cả, chất lượng tour tuyến, doanh thu của doanh nghiệp, cộng đồng địa phương thì biến động mất ổn định do việc phá giá, thu lợi ngắn hạn.   

Hoạch định dài hơi

Sức chứa du lịch được hiểu khái quát như là khả năng đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu của một lượng khách tham quan nhất định, trong giới hạn nguồn tài nguyên và dịch vụ cho phép tại nơi khách đến. Nó được quyết định bởi 3 yếu tố cốt lõi gồm: lượng tài nguyên sẵn có, số lượng khách tham quan và lượng tài nguyên, dịch vụ mà mỗi cá nhân đó sử dụng. Theo cách hiểu trên, có thể thấy khu vực Đô thị cổ Hội An đang đối diện với sức ép lớn về “sức chứa du lịch” trong khi nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh lại rơi vào tình trạng “đói” khách.

Dẫu vậy, ngay cả với những điểm du lịch ở phía nam, đặc biệt là vùng cao phía tây vẫn cần những giải pháp điều tiết lượng khách hợp lý để khai thác hài hòa tài nguyên du lịch khu vực này. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, du lịch khu vực phía tây của tỉnh thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực. Chiến lược mà du lịch địa phương hướng đến cho khu vực miền núi là phát triển lượng khách tham quan ít nhưng có chi tiêu cao để tránh ảnh hưởng môi trường và tổn thương đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ/phát triển quốc tế tại Việt Nam (FIDR Việt Nam), mỗi huyện miền núi trên địa bàn Quảng Nam hiện nay chỉ cần đón khoảng 600 đến 6 nghìn lượt du khách mỗi năm là đã có thể xúc tiến các hoạt động du lịch hiệu quả. Thị trường khách du lịch đến Quảng Nam hiện rất lớn trong khi lượng khách có nhu cầu tham quan khu vực miền núi cũng đang dần tăng lên nên điều cần thiết là phải tạo các sản phẩm thực sự chất lượng thay vì chỉ chú trọng khai thác lượng khách đầu vào tấp nập. “Dựa vào mục tiêu của điểm du lịch chúng ta sẽ xác định đối tượng khách hàng, từ đó cân đối được lượng khách hàng năm đến bao nhiêu là vừa đủ với các điểm du lịch có yếu tố bảo tồn” - bà Nobuko Otsuki nói thêm.

QUỐC TUẤN