Dự án xử lý rác thải: Người dân cần đồng hành, ủng hộ
Thời gian qua, người dân ở một số địa phương cản trở, chặn đường vận chuyển rác vào khu xử lý rác Tam Xuân 2 (Núi Thành) và tụ tập phản đối xây dựng dự án lò đốt rác Đại Nghĩa (Đại Lộc), đã tạo ra những xung đột căng thẳng, gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, xây dựng nhà máy xử lý rác thải gặp phải sự phản ứng từ phía người dân địa phương, bởi không người dân nào muốn đưa rác về nơi mình sinh sống. Ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa tích cực trong việc hỗ trợ triển khai xây dựng khu xử lý rác thải ở địa phương mình, làm cho tình hình càng trở nên phức tạp hơn.
Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng 2 lò đốt rác thải tại xã Đại Nghĩa và Tam Xuân 2 thay cho 2 khu chôn lấp rác thải tại xã Đại Hiệp (đã đầy các hộc, đang làm thủ tục đóng cửa, phục hồi môi trường) và Tam Xuân 2 (đã gần đầy giai đoạn 1). Chính quyền tỉnh cho rằng, đây là 2 khu xử lý rác thải tập trung quan trọng để giải quyết việc thu gom xử lý rác thải cho các địa phương trọng điểm ở phía bắc và phía nam của tỉnh. Ngoài ra còn một khu xử lý cấp khu vực nữa cũng đã được quy hoạch và nghiên cứu triển khai tại xã Quế Cường (Quế Sơn). Các vị trí này được lựa chọn phù hợp với quy định của pháp luật, phân vùng hợp lý để chi phí vận chuyển chấp nhận được, trên cơ sở đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương (bằng các các cuộc khảo sát thực tế, họp và ghi biên bản).
Công ty CP Môi trường - đô thị Quảng Nam (chủ đầu tư dự án khu xử lý rác Tam Xuân 2 và lò đốt rác xã Đại Nghĩa) đánh giá, công nghệ đốt hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải nhưng đảm bảo môi trường hơn rất nhiều so với hình thức chôn lấp. Do đặc thù rác của địa phương cũng như của cả nước hiện nay là rất khó phân loại từ đầu nguồn như các nước tiên tiến và thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao nên sử dụng công nghệ cải tiến của các doanh nghiệp trong nước từ công nghệ tiên tiến của nước ngoài là phù hợp. Các công nghệ đều được thẩm định theo quy định và đánh giá cẩn trọng tác động môi trường. Vì thế, lo ngại ô nhiễm môi trường của người dân là quá xa. Một số người dân địa phương dù đã được các cơ quan chức năng giải thích và cung cấp thông tin nhưng vẫn chưa đồng ý và tập trung tại hiện trường để ngăn cản thi công.
Về hướng giải quyết vụ việc người dân tụ tập ngăn cản thi công tại Đại Nghĩa, chính quyền tỉnh yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể huyện Đại Lộc tăng cường tuyên truyền, vận động giải thích cho nhân dân; xử lý hành vi của các đối tượng lôi kéo, kích động, làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Hiện, Công ty CP Môi trường - đô thị tỉnh cam kết bằng văn bản với nhân dân về bảo vệ môi trường trong thi công và không để nước thải tràn ra ngoài khi đi vào hoạt động. Với khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, công ty đang khẩn trương khắc phục bằng cách tăng cường bơm khử mùi và căng tấm bạt lớn để che phủ toàn bộ khu vực rác đã chôn lấp sau khi bơm hóa chất khử mùi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc cản trở của người dân đối với lò đốt rác công nghệ tuần hoàn ở tại vị trí xa khu dân cư là rất mơ hồ, tâm lý đám đông, gây phức tạp không cần thiết; nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Đối với khu chôn lấp rác thải Tam Xuân 2, việc người dân ngăn cản vừa qua là do thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng nóng kéo dài qua xuất hiện đợt mưa lớn, trong khi việc xử lý hóa chất khử mùi còn chủ quan nên xuất hiện mùi hôi. “Quan điểm của chính quyền tỉnh là cần thiết phải thay đổi công nghệ từ hình thức chôn lấp qua đốt, bởi đây là giải pháp tối ưu ở thời điểm hiện tại. Người dân cần đồng hành, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để công ty hoạt động, đổi mới công nghệ theo hướng ngày càng tân tiến hơn, có như vậy mới góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.