Công viên lưu trữ và tái chế nước mưa

QUỐC HƯNG 20/08/2019 10:50

(QNO) - Ngoài việc phục vụ như một địa điểm giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên, Công viên La Majal ở thành phố Alicante (Tây Ban Nha) còn có thêm nhiệm vụ vô cùng quan trọng: lưu trữ và tái chế nước mưa.

Công viên La Majal, Tây Ban Nha. Ảnh: Guardian
Công viên La Majal, Tây Ban Nha. Ảnh: Guardian

Nhiều quốc gia trên thế giới luôn đối mặt với tình trạng khủng hoảng nước cho sinh hoạt và sản xuất do hạn hán kéo dài và khắc nghiệt.

Thành phố Alicante thuộc miền Đông Tây Ban Nha cũng từng gánh chịu thời tiết tương tự, không có mưa trong nhiều tháng liền vào mùa hè. Tuy nhiên, mỗi khi mưa đến thì như trút nước và thường xuyên gây lũ lụt, phá hỏng nhiều cơ sở hạ tầng, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thậm chí đôi khi gây chết người.

Công viên La Majal có hệ thống hút dòng chảy nước mưa, đặc biệt tại các vùng trũng nhằm giảm đi tình trạng ngập lụt rất hiệu quả. Sau đó, nguồn nước này được chuyển đến các nhà máy gần đó để xử lý, tái chế và tái sử dụng cho nhiều mục đích.

La Majal được xây dựng trong 2 năm với chi phí 3,7 triệu euro (khoảng 96,2 tỷ đồng), tức chỉ bằng 1/4 chi phí xây dựng các hồ chứa nước bằng bê tông như lâu nay trong thành phố này.

Bên cạnh đó, công viên với các hồ chứa nước được xây dựng ngoài trời với khoản chi 50.000 euro để bảo trì các hồ chứa cũng như chăm sóc cảnh quan tại công viên. Các loại cá ăn ấu trùng diệt muỗi được nuôi trong các hồ. Ngoài ra, các biện pháp sinh học được ứng dụng nhằm triệt tiêu các loại tảo sinh trưởng trong nước.

Hệ thống tích trữ và xử lý nước mưa tại Kenya. Ảnh: Reuters
Hệ thống tích trữ và xử lý nước mưa tại Kenya. Ảnh: Reuters

Mở cửa vào năm 2015, La Majal được tạo cảnh quan với các loài thực vật Địa Trung Hải bản địa và nhanh chóng trở thành nơi lý tưởng cho các loại chim cư trú, di cư, các loài sinh vật nhỏ, một sự phát triển phù hợp cho một vùng đất ngập nước ven biển.

Theo các chuyên gia, nhiệt độ trái đất đang nóng dần lên gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mật độ hạn hán, lũ lụt ngày càng thường xuyên hơn cùng mức độ nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá, nhưng theo các nhà khoa học, nó sẽ cạn kiệt theo thời gian do trái đất nóng lên và được sử dụng lãng phí. Việc tận dụng tái chế, tái sử dụng, tiết kiệm nguồn nước là vô cùng cần thiết. Các quốc gia trên thế giới cần sớm đề ra các giải pháp để ứng phó.

Như người dân ở làng Kikumbulyu, quận Makuein (Kenya) không hề lo lắng việc thiếu nước trong mùa khô. Bởi cách đây 2 năm, các hệ thống tích trữ và xử lý nước mưa được xây dựng ở làng. Giờ đây, người dân trong làng có nước để sử dụng sinh hoạt và sản xuất.

Cũng trong năm nay, 5 “ngân hàng nước” nằm dưới lòng đất ngầm với tổng dung tích lên tới 27.030m3 nhằm giải cứu những khu vực trũng thường xuyên bị ngập vào mùa mưa tại thành phố Bangkok của Thái Lan đi vào hoạt động.

QUỐC HƯNG