"Bơi" với sách tham khảo

TH.NG 18/08/2019 19:14

Thời kinh tế thị trường, nguồn sách thật phong phú. Ngoài cơ quan chức năng là “Nhà xuất bản Giáo dục” còn có những nhà xuất bản “không chuyên” từ trung ương đến địa phương cũng bắt tay vào. Vậy là “loạn” sách cho học trò từ cấp tiểu học, THCS đến THPT.

Sách giáo khoa, sách tham khảo lớp 1. Ảnh: CHÂU NỮ.
Sách giáo khoa, sách tham khảo lớp 1. Ảnh: CHÂU NỮ.

Trong quầy sách, ngoài sách giáo khoa còn có đủ loại sách, nào là “Để học tốt…”, “Những bài… chọn lọc”, “Cách giải…”, “Hướng dẫn giải bài tập…”… không thể kể hết. Nhiều thầy cô giáo, thậm chí có cả các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng: Loại sách này một mặt nào đó đã “làm hại” cho học sinh, các em sẽ thụ động trong tư duy, rèn luyện kỹ năng học. Tất nhiên không thể phủ nhận hoàn toàn hết như vậy song đó là dạng sách “con dao hai lưỡi” với đối tượng của nó. Nếu các em biết phát huy việc tự học, kết hợp tham khảo học hỏi thêm ngoài sách giáo khoa thì việc tìm kiếm thêm kiến thức từ sách tham khảo là điều đáng mừng. Điều này không chỉ với người học mà còn là “công cụ” để thầy cô giáo tham khảo thêm, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ giảng dạy nữa.

Thực tế cho thấy, chỉ riêng trong môn Văn – môn tự luận trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua mà báo chí đã cảnh báo, nhiều giám khảo môn Văn thì suốt những ngày chấm thi được đọc la liệt những bài, đoạn văn mẫu các em “thuộc” và “chép lại” từ sách tham khảo (hoặc tư liệu trên mạng) có liên quan đến tác phẩm đề ra, mà chính các em lại không biết nội dung chính và đề yêu cầu như thế nào. Các em tìm mọi cách “nhớ” qua sách dạng tham khảo, rồi lắp ghép những gì liên quan đến đề thi, không kể đề thi đề cập đến nội dung gì, đề bài thể loại gì. Mà làm văn thì phải cảm nhận và cảm xúc có thật của người viết là quan trọng nhất. Thế mới biết cái “lưỡi” thứ hai của các loại sách tham khảo nguy hại nhường nào.

Bây giờ, số người tham gia viết sách nhiều, mạnh ai nấy viết theo yêu cầu đặt hàng. Cùng với sự in ấn cẩu thả, chạy theo lợi nhuận thì chất lượng sách phần nào giảm sút. Đối với loại sách tham khảo, có những quyển cùng nội dung nhưng mẫu mã bên ngoài lại khác hẳn, gây khó khăn cho người đi mua sách. Cái kiểu nhan đề như: “Những bài toán hình học hay” và “Cách giải toán hình học” hoặc “Bài tập nâng cao tiếng Anh” và “Những bài tập tiếng Anh chọn lọc”… cũng chỉ là một. Cho nên, dù lựa chọn toát mồ hôi song nhiều phụ huynh về đến nhà mới té ngửa: sách “trùng” nhau trong phần “ruột”. Cái kiểu nhan đề sách như vậy cứ như đánh lừa người đi mua sách, mà riêng gì môn Toán, Anh văn, còn có tất cả ở môn học khác như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn…

Sự học ngày nay đè nặng lên vai phụ huynh mà tiền mua sách là một trong những thứ của gánh nặng đó. Thật phi lý khi gánh nặng này có thể giảm thiểu bởi nhiều loại sách không cần thiết nhưng tâm lý nhiều phụ huynh mua cho con vì sợ thua bè thua bạn, vì “ai đó” bắt buộc và còn mua do không biết chọn bởi loạn sách. Một phụ huynh mua sách cho con vào lớp 9 lắc đầu ngao ngán: “Sách tham khảo như rừng… tự nhiên vậy. Chẳng biết có lối nào vào”.

TH.NG