Nhà báo Phan Ngọc Tiến: Ấn tượng với VTV Cup tại Quảng Nam
Nhà báo Phan Ngọc Tiến - Trưởng ban Sản xuất các chương trình thể thao Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Trưởng ban Tổ chức giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trao đổi chung quanh giải đấu lần đầu tiên tổ chức tại Quảng Nam. Chia sẻ về hành trình 16 năm của giải, ông Phan Ngọc Tiến nói:
Bóng chuyền nữ có thời gian gần như không ai để ý tới. Thi đấu xong, dù thắng hay thua, các cô gái cũng lặng lẽ ra về. Nhưng kể từ giải VTV Cup lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2004, người hâm mộ bóng chuyền cả nước bắt đầu quan tâm nhiều hơn. Và đến nay, lần thứ 16 tại Quảng Nam, như mọi người thấy, sức hút của VTV Cup đã lan tỏa rất rộng và mạnh mẽ.
* Sau 16 năm tổ chức, ông đánh giá như thế vào về sự thành công giải năm nay?
- Ông Phan Ngọc Tiến: Có thể nói VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 diễn ra tại Quảng Nam rất thành công. Về mặt chuyên môn, các đội bóng đều có chất lượng, nhất là đội Nec Red Rockets đến từ Nhật Bản, đội tuyển Triều Tiên. Đội tuyển Việt Nam năm nay có rất nhiều gương mặt trẻ, trong giải đấu này đã thể hiện được tài năng với lối chơi đa dạng, quyết tâm cao. Tại giải năm nay, các đội bóng khác cũng đã trình diễn những trận đấu hay, cống hiến nhiều pha bóng đẹp, kịch tính.
Khán giả Quảng Nam quá tuyệt vời! Giải diễn ra lúc nào cũng đông nghịt khán giả với sự cổ vũ vô tư, cuồng nhiệt. Tâm lý chung của các đội đến đây đều cảm thấy bất ngờ. Nhà thi đấu không đủ sức chứa cho khán giả vào xem, địa phương dựng nhà bạt, có màn hình để phục vụ người hâm mộ.
Ngoài phát sóng các trận đấu, nhiều clip về di tích, danh lam thắng cảnh, văn hóa và con người xứ Quảng cũng được quảng bá trên sóng của VTV. Qua đó, người dân cả nước, các vận động viên nước ngoài biết đến và họ cảm thấy thích thú xen lẫn ngạc nhiên vì Quảng Nam quá đẹp.
* Vậy ấn tượng nhất của ông trong những ngày tại Quảng Nam là gì?
- Ông Phan Ngọc Tiến: Chắc chắn đó là hình ảnh khán giả, người hâm mộ xứ Quảng. Không chỉ tại nhà thi đấu, hôm chúng tôi đưa đội tuyển Việt Nam về huyện Quế Sơn để giao lưu, trong một ngày nghỉ giữa giải. Thật bất ngờ, nhiều năm tổ chức như vậy rồi nhưng khi về Quế Sơn lần đầu tiên chứng kiến khán giả rất đông. Hàng nghìn người đứng chung quanh sân, trên mái nhà, kể cả trên cây. Nói chung mọi vị trí đều có người dân tìm chỗ để quan sát được. Cả đội bóng, ban tổ chức đều cảm thấy hạnh phúc và xúc động trước sự hâm mộ của người dân.
* Được biết VTV Cup 2019 có khá nhiều địa phương đăng cai và ông từng bày tỏ lo ngại khi điều kiện về cơ sở vật chất của Nhà thi đấu Quảng Nam còn khá hạn chế. Vậy ông có thể chia sẻ lý do gì để sau đó VTV chọn Quảng Nam?
- Ông Phan Ngọc Tiến: Tiêu chí mà chúng tôi đưa ra là muốn người dân ở các tỉnh, thành phố trong cả nước được theo dõi trực tiếp giải bóng chuyền VTV Cup. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức ở nhiều địa phương ngoài miền Bắc như Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc..., còn trong Nam thì có TP.Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Cần Thơ. Quảng Nam là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, có các di sản văn hóa thế giới của nhân loại như Hội An, Mỹ Sơn và nhất là sự mến mộ của người dân, vậy tại sao lại không?
Chúng tôi nghĩ không chỉ các vận động viên đến Quảng Nam thi đấu mà họ còn được khám phá mảnh đất, văn hóa và con người nơi đây. Đây là cách mà giải đấu mang đến không chỉ về thể thao đơn thuần mà còn là cơ hội để VTV phối hợp với tỉnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng với bạn bè trên thế giới. Ngoài ra, VTV Cup 2019 đến với Quảng Nam còn tạo sự kiện văn hóa thể thao lớn trong các hoạt động kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
* Ông nói gì về chủ trương không bán vé mà mở cửa tự do cho khán giả vào sân tại giải năm nay của tỉnh Quảng Nam?
- Ông Phan Ngọc Tiến: Tôi nghĩ đây là điều mới và rất bất ngờ khi lần đầu tiên VTV Cup không bán vé. Chắc chắn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam họp bàn rất kỹ. Cho nên, phương án phục vụ người dân tối đa nhất cũng là hợp lý. Tôi nghĩ, đó là chủ trương đúng đắn và cũng là cơ hội cho người dân địa phương được theo dõi các trận đấu của giải.
Còn đối với Ban tổ chức giải, bán vé hay không bán vé không quan trọng, mà quan trọng là khán giả đến sân. Thước đo quan trọng nhất đối với một giải đấu là sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và trên khán đài luôn đầy ắp người xem, đó mới là điều chúng tôi quan tâm. Chúng tôi cũng muốn giải được tổ chức làm sao để tất cả người dân địa phương đó được theo dõi.
* Cũng có ý kiến lo ngại việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị nhiều không khéo sẽ gây nên sự lãng phí vì Nhà thi đấu Quảng Nam ít khi tổ chức các giải thể thao tầm quốc gia, và quốc tế càng hiếm hoi hơn. Do đó, nếu Quảng Nam có chủ trương lần nữa đăng cai thì VTV Cup có kế hoạch trở lại?
- Ông Phan Ngọc Tiến: VTV Cup là sự kiện thể thao lớn của bóng chuyền Việt Nam, thuộc hệ thống các giải đấu chính thức của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á nên yêu cầu cao là tất yếu để đảm bảo tiêu chuẩn về mặt chuyên môn của giải đấu quốc tế. Đây là chủ trương lớn của đài và bàn bạc rất kỹ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng rất quan tâm nên nhà thi đấu dù nhiều hạng mục xuống cấp nhưng khi đến ngày tổ chức giải đã chỉnh trang khá đẹp. Các hạng mục như thảm thi đấu, ánh sáng, khu vực chức năng phục vụ giải đấu đều đạt tiêu chuẩn.
Tôi nghĩ chuyện lãng phí thì không. Bởi Nhà thi đấu tỉnh Quảng Nam xây dựng quá lâu rồi, nhiều mục xuống cấp nên đó là cơ hội để tỉnh nâng cấp. Không chỉ phục vụ cho VTV Cup mà còn tổ chức nhiều giải đấu, nhiều môn thể thao trong nhà khác nữa và khi VTV Cup đi qua thì cơ sở vật chất vẫn còn lại đó. Nếu tỉnh đăng cai lần nữa và có chủ trương của lãnh đạo VTV, Ban tổ chức VTV Cup sẽ tính toán có thể quay trở lại vùng đất “địa linh nhân kiệt” và người dân đam mê cuồng nhiệt với bóng chuyền này.
* Một giải đấu có thương hiệu như VTV Cup, nhưng tại sao lại không tính đến một kế hoạch dài hơi hơn. Đó là, lựa chọn địa phương đăng cai trước 2 năm để công tác chuẩn bị khỏi bị lúng túng như hiện nay vì phần lớn các địa điểm tổ chức đều phải được đầu tư nâng cấp, sửa chữa?
- Ông Phan Ngọc Tiến: Để tổ chức giải đấu, có nhiều yếu tố phải tính đến. Thứ nhất, VTV Cup năm nào cũng nhận được công văn của ít nhất là 12 tỉnh đăng ký đăng cai nên chúng tôi phải có thời gian đi khảo sát chứ không thể cùng lúc thực hiện được. Thứ hai, còn liên quan đến hành trình di chuyển của các đội bóng, lịch bay, địa điểm đến. Ngoài chuyên môn, các đội bóng còn quan tâm đến địa điểm tổ chức có nhiều danh lam thắng cảnh để tham quan, lại vừa thuận lợi trong việc đi lại. Khi chúng tôi phối hợp với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mời các đội bóng tham gia cũng phải chờ đợi ý kiến của họ. Thế nên, việc thông báo cho các địa phương trước 2 năm là rất khó. Hơn nữa, chúng tôi phải tính toán hài hòa, hợp lý trong số các địa phương đăng ký. Nói chung, về cơ bản, chúng tôi nỗ lực hết sức để địa phương đăng cai có thời gian chuẩn bị. Qua 16 năm tổ chức, các địa phương đăng cai đều có được những yếu tố tích cực, như cơ ngơi rất tốt trước khi giải diễn ra, góp phần vào thành công chung của giải.
- Trân trọng cảm ơn ông!