Hỗ trợ thoát nghèo
Nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân cộng hưởng với vai trò “bà đỡ” của tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã giúp chủ trương thoát nghèo bền vững của tỉnh lan tỏa trong đời sống với nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Từ huyện Nam Trà My
Gia đình anh Nguyễn Thanh Truyền (dân tộc Ca Dong, thôn 2, xã Trà Mai, Nam Trà My) đã xây dựng mô hình kinh tế khởi sắc từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Nam Trà My. Với nguồn vốn trên, gia đình anh đầu tư nuôi 2 con bò, trồng 3ha keo lai và 5.000 cây chuối mốc. Đến nay mỗi năm gia đình anh Truyền có nguồn thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng. Hay như gia đình anh Đinh Văn Nghị (thôn 3, xã Trà Mai), trước đây xoay xở đủ mọi sinh kế nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh tự vấn bản thân rồi tìm sinh kế mới bằng cách vay vốn Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Nam Trà My để mua máy xay xát về làm dịch vụ. Từ thành công bước đầu, anh Nghị mở trang trại chăn nuôi heo đen. Đến nay, gia đình anh Nghị đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Tấn Thành - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Trà My cho biết, là huyện miền núi, tập quán sản xuất, nhiều tập tục của người dân còn lạc hậu. Nhằm giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất cũ, ngoài nguồn vốn CSXH, huyện giúp con em địa phương đi học, tiếp thu được những tiến bộ của khoa học để về quê ứng dụng vào sản xuất. Chính những người được cử đi học khi trở về không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần giúp bà con ở quê hương thoát nghèo bền vững hơn. Qua sự vận động, hỗ trợ của Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Trà My, những tấm gương như anh Hồ Văn Hinh, chị Phạm Thị Tiễu đã vượt khó đi học nghề tại TP.Đà Nẵng. Sau khi ra trường, có công việc ổn định, họ đã lan tỏa động lực vươn lên thoát nghèo bền vững ở địa phương. Nhờ đó, hình thành cả một phong trào tự lực cánh sinh, vươn lên làm giàu, giúp địa phương yên tâm với các mô hình sinh kế sinh động, hiệu quả.
Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Nam Trà My cho biết: “Hơn 10 năm trước, khi được Nhà nước cho vay vốn, không ít hộ đồng bào Ca Dong ở huyện đem tiền cất trên giàn bếp vì không biết phải đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì và đến kỳ hạn thì đem nguyên số tiền trả lại cho ngân hàng. Vì vậy, ngoài nghiệp vụ tín dụng, cán bộ của Ngân hàng CSXH còn trau dồi thêm kiến thức về nông nghiệp để hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả”.
Phát triển rộng khắp
Trà Giang là một xã thuộc khu vực khó khăn của huyện miền núi Bắc Trà My, có nhiều dân tộc sinh sống, mặt bằng dân trí không đồng đều, hơn 90% dân số sinh sống bằng nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo là 29,36%. Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn tín dụng CSXH, kinh tế - xã hội trên địa bàn xã đã có điểm khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện về vật chất và tinh thần. Ngay từ buổi đầu thực hiện Chỉ thị 40, với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Trà Giang, ông Lê Tài (nay là Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang) xác định vai trò quan trọng của tín dụng CSXH để giảm nghèo trên địa bàn. Tham gia thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Bắc Trà My, ông Tài đã nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với hoạt động tín dụng CSXH tại địa phương. Ông cùng cấp cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để các hộ nghèo, gia đình chính sách tiếp cận tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên để đảm bảo sử dụng nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất. Tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng CSXH trên địa bàn xã Trà Giang xấp xỉ 40 tỷ đồng với 636 hộ vay, bình quân 63 triệu đồng/hộ, tăng trưởng gần 8 tỷ đồng so với năm 2014. Tỷ lệ thu lãi, huy động tiết kiệm qua tổ hằng năm đạt 100%. Nhờ xử lý tốt nợ đến hạn, Trà Giang là một trong các xã nhiều năm liền không có nợ quá hạn. Chất lượng giao dịch xã, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm & vay vốn thường xuyên xếp loại khá, tốt.
Tại Đông Giang, ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, toàn huyện đã vào cuộc quyết liệt nên Chỉ thị 40 được triển khai tốt. Tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đầu tư trên địa bàn trong 5 năm qua hơn 174 tỷ đồng. Toàn huyện đã có gần 7 nghìn lượt hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển kinh tế. Đồng thời cho vay vốn ưu đãi xây dựng 257 ngôi nhà cho hộ nghèo và hộ chính sách, 252 công trình nước sạch, 206 công trình vệ sinh, tạo điều kiện cho 44 sinh viên có điều kiện tiếp tục học tập. Về nguồn vốn ngân sách địa phương, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng UBND huyện cũng đã chuyển hơn 1 tỷ đồng để lập quỹ cho vay. Ngoài ra, huyện hỗ trợ xe gắn máy, máy phát điện, trang bị bàn ghế, tủ hồ sơ phục vụ tín dụng CSXH. “Chỉ thị 40 được triển khai đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn để giúp các hộ nghèo, các gia đình chính sách tiếp cận vốn CSXH để phát triển kinh tế, thay đổi nhận thức của đồng bào miền núi, bớt đi sự trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Vốn tín dụng CSXH đầu tư đã nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hằng năm giảm hơn 5%” - ông Tài nói.